Kinh hãi khoảnh khắc trăn bất ngờ tấn công chủ khi đang được cho ăn

Trăn khủng bất ngờ "nổi điên", cắn thẳng vào tay người phụ nữ

Đoạn clip được chia sẻ lên mạng xã hội, cho thấy khoảnh khắc người phụ nữ đang mở nắp chuồng để chuẩn bị cho một con trăn ăn. Khi thấy con vật thò đầu ra ngoài, người phụ nữ đã nhẹ nhàng đưa tay đỡ lấy thì con trăn bất ngờ tung một cú cắn vào tay của chủ, đồng thời dùng cả cơ thể siết chặt tay của người này.

Người phụ nữ tìm mọi cách để gỡ con trăn ra khỏi tay của mình nhưng bất lực, khi con vật càng lúc cuốn càng chặt tay của chủ nhân. Một thanh niên đứng cạnh khi phát hiện sự việc đã cố gắng can thiệp để giúp đỡ, nhưng con trăn vẫn không chịu bỏ cuộc và mọi nỗ lực giải cứu đều bất thành.

Cuối đoạn clip có thể thấy rõ máu chảy ra khá nhiều từ tay của người phụ nữ và đoạn clip kết thúc khi người này vẫn đang cố gắng gỡ con vật ra khỏi tay.


(Video: Uno Sandvick).

Đoạn clip sau khi được đăng tải lên mạng xã hội đã nhanh chóng "gây sốt". Con trăn trong đoạn clip được xác định là một cá thể trăn gấm.

Trăn gấm là loài bò sát dài nhất thế giới hiện nay, với chiều dài trung bình khoảng hơn 6m, có những cá thể đạt chiều dài lên đến 9 hoặc 10m. Giống các loài trăn khác, trăn gấm không có nọc độc và giết chết con mồi bằng cách cuốn thân quanh con mồi rồi siết chặt cho đến chết. Dù không có nọc độc, những vết cắn của trăn gấm gây chảy máu nhiều và có thể gây nhiễm trùng nghiêm trọng vì miệng của loài trăn này có chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm.

Trong thời gian gần đây, trăn gấm trở thành một loại vật nuôi khá phổ biến. Dù loài trăn này có sức mạnh, thậm chí đủ sức để giết chết con người, nhưng trăn gấm không được xem là nguy hiểm cho con người. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu trăn gấm bị kích động, sợ hãi hay lầm tưởng tay chân người là thức ăn thì chúng có thể cắn và siết chặt con người, thậm chí đã có những trường hợp trăn gấm ăn thịt người đã được ghi nhận.


Trăn gấm là loài trăn có kích thước và sức mạnh đủ để giết chết con người.

Chẳng hạn như trường hợp của Ee Heng Chuan vào năm 1995. Ee Heng Chuan là một công nhân cạo mủ cao su 29 tuổi sống ở miền Nam bang Johor (Malaysia), đã bị một con trăn gấm dài 7m tấn công và ăn thịt. Lúc ấy, cảnh sát đã phải bắn 4 phát súng mới hạ được con vật.

Năm 2017, Akbar Salubiro - một nông dân 25 tuổi ở Indonesia bị mất tích khó hiểu. Sau đó, người ta tìm thấy xác của nạn nhân bên trong dạ dày của một con trăn gấm khổng lồ.

Theo các chuyên gia động vật học, trong trường hợp bị các loài trăn lớn tấn công và siết chặt cơ thể, nếu nạn nhân cảm thấy không đủ sức khuất phục con vật thì cần giữ tư thế ngồi trên mặt đất, đưa cánh tay che lấy phần cổ để ngăn không cho con trăn siết chặt đường thở, gây bất tỉnh.

Điều quan trọng là không nên cố giãy giụa để thoát khỏi vòng cuốn của con trăn, vì càng làm thế, trăn sẽ càng siết chặt hơn. Có trường hợp con trăn cảm thấy con người chỉ ngồi một chỗ chịu đựng, cho rằng đó không phải con mồi và bỏ đi. Ngoài ra, nạn nhân hoặc người đi cùng có thể dùng gậy hoặc dao đánh mạnh vào phần đầu trăn, khiến nó choáng váng, hay thậm chí giết chết con trăn theo cách này.

Ngoài ra, trăn cũng sợ những loại chất lỏng có mùi nặng. Nếu bạn mang theo một chai rượu, nước súc miệng hay cồn tẩy rửa, hãy nhanh chóng lấy ra rồi đổ lên người và phần đầu của trăn. Hành động này có thể khiến chúng dừng hành động tấn công.

Điều quan trọng nhất là không được để con trăn siết quá chặt rồi mới hành động. Cần phải nhanh chóng tấn công vào những điểm yếu trên cơ thể của chúng như đầu, mắt...

Đối với các loài động vật máu lạnh như trăn và rắn, chúng thường không hình thành cảm xúc và mối liên hệ đối với những người chăm sóc, do vậy, trăn và rắn có thể bất ngờ tấn công người nuôi nếu bản thân cảm thấy bị đe dọa hoặc nhầm tưởng đó là con mồi. Do vậy, khi nuôi trăn và rắn, người nuôi cần phải trang bị cho mình những kiến thức cần thiết và hiểu rõ bản tính của vật nuôi, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy đến bất cứ lúc nào.

Cập nhật: 29/03/2022 Theo Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video