Kinh nguyệt: những điều mọi phụ nữ cần biết

Từ tuổi dậy thì đến khi mãn kinh, kinh nguyệt là một phần trong cuộc đời người phụ nữ. Vì sao có máu kinh? Tại sao đau bụng kinh?... Hiện tượng tự nhiên này mọi phụ nữ đều nên biết.

Mỗi lần hành kinh mất bao nhiêu máu?

(Ảnh: Cookiepots)

Máu kinh từ tử cung chảy ra, do bong lớp nội mạc, lượng máu kinh khác nhau tùy từng phụ nữ và tùy từng tháng, dao động từ 5ml đến 25ml.

Vì sao có máu kinh? Máu chảy ra từ nội mạc tử cung hay nói chính xác hơn là do sự bong lớp nông và có chu kỳ của nội mạc tử cung, là hệ quả của những thay đổi về hormone vào cuối chu kỳ kinh.

Mỗi chu kỳ kinh có thể có 4 giai đọan rệt. Giai đọan đầu gọi là giai đoạn nang noãn. Trong giai đoạn này hormon estrogen được tiết ra với số lượng tăng dần; những hormon này làm cho lớp nội mạc tử cung dầy lên và số lượng các mạch máu cũng tăng lên. Cũng trong thời gian này, một noãn phát triển ở buồng trứng, đạt đến mức trưởng thành và được phóng ra. Giai đoạn này gọi là giai đoạn phóng noãn; noãn di chuyển trong vòi trứng (còn gọi là vòi Fallope), tiến về tử cung, nơi đã có những thay đổi để chuẩn bị đón noãn.  Từ khi noãn được phóng ra, lượng hormon estrogen bắt đầu giảm dần trong cơ thể nữ.

Giai đoạn 3 gọi là giai đoạn hoàng thể hay giai đoạn tiết ra hormon progesterone; có đặc trưng là thể vàng (phần vỏ của nang noãn sau khi noãn đã phóng ra) tiết ra một hormon khác là progesterone. Hormon này cũng có nhiệm vụ chuẩn bị tử cung để trứng làm tổ nếu như noãn được thụ tinh (đã kết hợp với tinh trùng). Để  giúp cho sự làm tổ của trứng, tử cung phải ứ máu, phát triển mô, có nhiều chất đường và protein... Nhưng nếu noãn không được thụ tinh trong nững ngày đi qua vòi trứng thì chính hormon progesterone cũng bắt đầu giảm. Cuối cùng noãn không được thụ tinh sẽ tiêu tan và lớp nội mạctử cung dầy lên sẽ bong ra. Toàn bộ chất liệu bong ra được gọi là máu kinh chảy ra ngoài, qua cổ tử cung và âm đạo. Cho nên giai đoạn 4 là giai đoạn hành kinh. 

Sau bao lâu kể từ lúc phóng noãn sẽ ra kinh? Ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt tương ứng với ngày hành kinh đầu tiên. Và ngày cuỗi của chu kỳ kinh là trước khi kỳ kinh sau diễn ra. Dù số ngày giữa 2 kỳ kinh là bao nhiêu thì các kỳ kinh vẫn xảy ra sau khi phóng noãn được 14 ngày.  Ngược lại, quãng thời gian trước khi phóng noãn không cố định.

Tần suất của chu kỳ kinh và mỗi kỳ hành kinh kéo dài bao lâu? Có bao nhiêu phụ nữ thì có bấy nhiêu kiểu chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh có thể thay đổi từ 20-40 ngày (quá 45 ngày gọi là kinh thưa). Đa số phụ nữ có chu kỳ kinh từ 26 đến 34 ngày, khoảng một phần 3 phụ nữ có chu kỳ kinh 28 ngày. Số ngày hành kinh cũng khác nhau tùy từng người và từng tháng, trung bình từ 2 đến 7 ngày.

Tại sao phụ nữ cảm thấy đau vào những ngày trước và trong khi hành kinh? Gọi là kinh đau khi có những cơn đau trước và trong những ngày đầu của hành kinh – nhất là mấy ngày đầu – khi đó một số phụ nữ có những cơn đau quặn ở bụng dưới. Đau là do cơ tử cung co thắt để đẩy noãn không thụ tinh, những tế bào và máu của nội mạc ra ngoài (chính máu đó đã nuôi dưỡng noãn).

Vận động thể chất đều đặn có thể giúp giảm những cơn đau quặn. Tắm nóng hay chườm nóng (ở bụng hay ở lưng) cũng có thể làm cho giảm bớt sự co bóp cơ. Cũng có thể dùng một số thuốc giảm đau.  Tuy nhiên, hành kinh đau cũng có thể có nguồn gốc thực thể (ví dụ như bị lạc nội mạc tử cung...). Cần được thầy thuốc khám và xác định.

Không thấy ra kinh có đáng lo ngại không? Không thấy ra kinh (còn gọi là bặt kinh) có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết cần nghĩ đến có thai. Khi còn trẻ và mới bắt đầu có kinh thì các chu kỳ kinh có thể không đều; điều đó là bình thường vì những chu kỳ kinh này hãy còn là những chu kỳ không phóng noãn do chức năng sinh lý để kiểm soát hormon chưa hoàn toàn trưởng thành.

Thời kỳ này có thể kéo dài trong 2 năm. Sau tuổi 45-50, nếu mất kinh đến 2 năm cần nghĩ đến mãn kinh. Nguyên nhân vô kinh có thể là bất thường ở nội mạc tử cung cho đến sang chấn tâm lý quan trọng hoặc do dùng một số thuốc, bị chứng chán ăn...Tốt hơn là nên hỏi ý kiến thầy thuốc.    

Tuổi nào nên dùng tăm-pông? Tăm-pông là một loại bấc gạc chưa được dùng nhiều ở nước ta, có thể dùng được cho cả các em gái chưa có quan hệ tình dục. Điều chủ yếu là biết đặt cho đúng và cứ khoảng 4 giờ thay 1 lần. Nếu quên không lấy ra rất dễ gây nhiễm khuẩn âm đạo. Không năng thay băng vệ sinh có thể gây ra nhiễm khuẩn tụ cầu vàng dẫn đến hội chứng choáng nhiễm độc.

Có thai có còn ra kinh không? Không; phụ nữ có thai có thể bị ra máu; không gọi là ra kinh và cần gặp thầy thuốc vì có thể báo hiệu sự bất thường ở thai hay ở nhau.

Kinh nguyệt có làm thay đổi tính khí không? Thay đổi khí chất có thể xảy ra trong vài ngày trước khi có kinh. Một số phụ nữ có thay đổi tính tình ở những mức độ khác nhau nhưng nhiều phụ nữ khác lại không sao. Những triệu chứng và dấu hiệu đó làm nên bệnh cảnh gọi là hội chứng tiền kinh nguyệt: dễ kích thích, buồn, khó tập trung tư tưởng, có thể nhức đầu, buồn nôn...Ngay trước khi hành kinh, cơ thể có xu hướng giữ nước; vì thế có cảm giác nặng nề, người như to ra và vú cương đau. 

Khi đang có kinh có thể quan hệ tình dục và chơi thể thao không? Được, có thể quan hệ tình dục cả khi đang có kinh nhưng nhiều phụ nữ từ chối vì cảm thấy không sạch sẽ. Cũng  nên biết rằng một số phụ nữ có chu kỳ kinh không đều chỉ có 14 ngày và phóng noãn cả khi hành kinh nên có thể thụ thai. Với hoạt động thể thao cũng vậy, không cấm khi đang có kinh. Càng vận động nhiều thì phụ nữ càng ít bị đau khi hành kinh. Có người cho rằng nếu bơi lội khi đang có kinh thì nên dùng tăm-pông hơn là băng (hay khăn) vệ sinh.                    

BS ĐÀO XUÂN DŨNG

Theo Tuổi trẻ online
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video