Sau khi quan hệ tình dục, nhện đực thường bị thiệt mạng do nhện cái ăn thịt, nhưng với loài nhện cá, nhện đực chết vì …”thượng mã phong”.
Thực tế này được tìm ra một cách hết sức tình cờ. Steven Schwartz, một sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành sinh thái học hành vi thuộc trường đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ muốn tìm hiểu liệu những con nhện cá đực (có tên khoa học Dolomedes tenebrosus) có giao phối với chỉ một con cái trong suốt cuộc đời hay không. Khi quan sát, anh này nhận thấy con nhện đực đã tự chết ngay sau khi giao phối với nhện cái, trước cả khi bị nhện cái ăn thịt.
Nguyên nhân của cái chết này được nhà nghiên cứu giải thích như sau: tất cả các con nhện đực đều có 2 phần phụ đằng trước, gọi là pedipalps. Khi đến tuổi giao phối, chúng phóng tinh dịch vào màng tinh trùng và hút tinh trùng vào trong pedipalps, làm cho nó bị phồng lên. Khi giao phối, con đực sẽ phóng tinh trùng vào trong người con cái từ một pedipalps.
Nhện cá đực chết vì "thượng mã phong" ngay sau khi giao phối với nhện cái.
Tuy nhiên, không giống như những loại nhện khác, pedipalps sẽ bị xẹp xuống, pedipalps của nhện cá vẫn căng và trở nên vô dụng ngay cả sau khi giao phối. Sau đó, nhện đực bị teo lại và chết dần sau vài giờ.
“Nguyên nhân của cái chết này có liên quan đến hiện tượng căng phồng của pedipalp”, Schwartz nói.
Sau khi nhện đực chết, nhện cái sẽ ăn thịt nó và điều này thực sự có lợi cho con nhện yểu mệnh vì khi ăn nhện đực, nhện cái sẽ khó có cơ hội giao phối với con khác, đồng nghĩa với việc nó sẽ là cha của lũ con sắp sinh.