Loài bướm bay hơn 4.000km vượt Đại Tây Dương

Tận dụng gió thổi từ sa mạc Sahara ở châu Phi đến Nam Mỹ, bướm Vanessa cardui nhỏ bé có thể bay liên tục 5 - 8 ngày xuyên biển.

Năm 2013, nhà côn trùng học Gerard Talavera tại Viện Thực vật Barcelona kinh ngạc khi bắt gặp vài con bướm Vanessa cardui trên bãi biển ở vùng Guiana thuộc Pháp, Nam Mỹ. Loài bướm này thường xuyên di cư 14.500km từ châu Âu đến châu Phi cận Sahara, nhưng chúng sẽ dừng chân dọc đường để nghỉ ngơi và bổ sung năng lượng. Để đến Nam Mỹ, chúng phải bay không ngừng nghỉ xuyên Đại Tây Dương.


Bướm Vanessa cardui có thể bay xuyên Đại Tây Dương không cần nghỉ. (Ảnh: Roger Vila).

Suốt 10 năm qua, Talavera cùng đồng nghiệp tìm hiểu lý do tại sao bướm Vanessa cardui có thể bay xa như vậy. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications hôm 25/6 cho thấy, chúng có thể đã thực hiện chuyến đi dài 4.200km xuyên Đại Tây Dương từ Tây Phi với sự trợ giúp của điều kiện gió thuận lợi.

Trong nghiên cứu mới, nhóm nhà khoa học đã xem xét dữ liệu thời tiết trong nhiều tuần trước khi đàn bướm đến Nam Mỹ. Họ cũng giải trình tự gene của Vanessa cardui và biết được chúng là họ hàng của côn trùng ở châu Phi và châu Âu, loại trừ khả năng chúng đến từ Bắc Mỹ. Ngoài ra, phân tích các chất đồng vị trong cánh bướm cũng cho thấy chúng sinh ra ở Tây Âu và Tây Phi.

Tiếp theo, nhóm nghiên cứu giải trình tự ADN của các hạt phấn hoa dính trên cơ thể bướm để tìm ra những loài thực vật mà chúng mới tiếp xúc. Kết quả, đó là Guiera senegalensisZiziphus spina-christi, hai loài cây bụi chỉ ra hoa vào cuối mùa mưa ở Tây Phi. Tổng hợp lại, nhóm nghiên cứu có thể kết luận, bướm Vanessa cardui thực sự bay từ Tây Phi đến Nam Mỹ, vượt qua Đại Tây Dương - một kỳ tích chưa từng được ghi nhận trước đây.

Gió là yếu tố đặc biệt quan trọng trong hành trình mà các nhà khoa học ước tính kéo dài 5 - 8 ngày. Các luồng khí mang tên Lớp Không khí Sahara đưa bụi từ sa mạc Sahara ở châu Phi đến Nam Mỹ, giúp lưu vực sông Amazon màu mỡ hơn. Đôi khi, bụi bay xa tới Florida, giúp tạm thời ngăn chặn các cơn bão. Giờ đây, các nhà khoa học biết rằng Lớp Không khí Sahara cũng quan trọng với côn trùng.

"Bướm chỉ có thể hoàn thành chuyến bay khi sử dụng chiến lược xen kẽ giữa bay chủ động - hoạt động tốn nhiều năng lượng - và lướt theo gió. Chúng tôi ước tính rằng nếu không có gió, chúng chỉ bay được tối đa 780 km trước khi tiêu thụ hết chất béo và năng lượng", Eric Toro-Delgado, nhà sinh vật tại Viện Sinh học Tiến hóa ở Tây Ban Nha, đồng tác giả nghiên cứu, kết luận.

Cập nhật: 27/06/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video