Kỳ lạ giác quan thứ sáu

Ông Ian Waterman dạng chân lê bước đi một cách cứng nhắc. Ông luôn phải ngừng lại, nhìn xuống dưới, bước đi vài bước, rồi lại nhìn xuống chân. Nếu bây giờ đèn tắt, người đàn ông lực lưỡng cao 2 m sẽ ngã ngay xuống sàn và nằm bất lực tại chỗ.

Ian Waterman không cảm nhận được cơ thể mình từ gáy trở xuống. Ông luôn luôn phải kiểm soát cử động bằng mắt. Năm 19 tuổi ông bị cúm nặng. Một phản ứng tự miễn dịch đã phá hủy tất cả những thần kinh cảm giác trong cơ bắp, gân và da từ cổ trở xuống - những dây thần kinh mà nhờ vào đó bộ não nhận biết được tư thế và cử động.

Từ đó giác quan cảm nhận cơ thể của ông Ian Waterman bị phá hủy không cứu chữa được nữa. Một tình cảnh thật đáng sợ, nhưng ông không bị tê liệt. Hệ thần kinh vận động ra lệnh cho cơ bắp vẫn còn nguyên vẹn. Vì thế mà ông có thể học cách kiểm soát cơ bắp tạm thời qua thị giác.

Thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác - ai cũng biết 5 giác quan của con người. Nhưng ngược lại giác quan cơ thể thường không được biết đến. Vì hiếm khi chúng ta nhận thức được nó thống trị cuộc sống của chúng ta với quyền lực nào. Không có giác quan cơ thể chúng ta không thể chuyển động mềm mại và cũng không thể đi xe đạp, không thể chơi thể thao mà cũng không thể làm việc trong bóng tối. Và giác quan thứ sáu này không chỉ cảm nhận cơ thể: Với nó chúng ta cảm nhận được chiếc ghế đang ngồi lên được tạo dáng như thế nào. Chúng ta có thể đoán còn bao nhiêu sữa trong hộp giấy khi chỉ nhấc lên và lắc nhẹ nó.

Giác quan này thông tin cho chúng ta về sự phân bố của trọng lượng, trọng tâm và cân bằng, về việc lực nào có tác động nào đến sự chuyển động. Với nó, người bồi bàn có thể giữ thăng bằng một khay đầy thức ăn ở trên đầu trong một buổi tiệc. Nó biến những công cụ như dao và nĩa, búa hay kéo, và ngay cả ô tô nữa, trở thành một phần của thân thể. Chúng ta có thể cảm nhận một cây cọ vẽ cho đến tận đầu cọ.

Khác với ngửi hay nghe, giác quan cơ thể không có một cơ quan riêng biệt. Chúng ta cảm nhận cơ thể và tư thế của nó bằng nhiều giác quan khác: Chẳng hạn, ở trong bắp thịt, gân và khớp sử dụng cảm giác tiếp xúc và cảm giác thăng bằng, đặc biệt là với những cái được gọi là cơ quan tự cảm ở trong đó. Các trạm đo đạc tí hon này thông tin liên tục cho bộ não về tư thế, lực kéo căng và chuyển động của cơ thể. Trong cánh tay, phần thân trên và ở chân, chúng chiếm vị thế áp đảo trong giác quan cơ thể. Ngược lại, cảm giác của hai bàn tay - phát triển rất cao ở loài người – lại bao gồm hai phần đều nhau của xúc giác và nhận cảm.

Thêm vào đó, đóng vai trò quan trọng trong việc cảm nhận được cơ thể là trí nhớ. Cảm giác mở một cánh cửa ra như thế nào? Một đứa bé phải với tới nhiều lần. Thế nhưng khi đứa bé có đủ kinh nghiệm, nó sẽ nhìn từ xa mà biết được cửa có dễ mở hay không. Một quả cầu sắt lớn nhìn từ xa đã thấy nặng - bởi vì chúng ta đã từng làm việc với sắt trước đó.

Thật khó có thể tin rằng một giác quan quan trọng như vậy lại không được nhận thấy mãi cho đến cách đây khoảng 100 năm. Thế nhưng sau khi Aristoteles từ thời cổ đại nhận ra được 5 giác quan, không có thay đổi nào khác hơn trong vòng 2000 năm liền.

Mãi đến đầu thế kỷ 19 nhà tâm lý học Scottland Charles Bell mới tự hỏi rằng người mù làm sao lại có thể hành động khéo léo và có mục đích như vậy. Ông suy diễn là phải có một giác quan cho tư thế và chuyển động của cơ thể. Cuối cùng, vào đầu thế kỷ 20, nhà thần kinh học đoạt Giải Nobel Y học Charles Sherrington chỉ ra rằng bắp thịt và gân chứa đầy những tế bào giác quan mà ông gọi là "proprioceptor" – cơ quan tự cảm. Từ đó giác quan được phát hiện có tên là proprioception - sự nhận cảm trong cơ thể.

Con người sử dụng cảm nhận cơ thể nhiều hơn khỉ rất nhiều để thấu hiểu được cơ học của chính mình và vật lý của đồ vật. Mắt chỉ là một thay thế không hoàn hảo. Số phận của ông Ian Waterman cho thấy: Ít ra phải luyện tập nhiều năm mới có lại được một phần sự kiểm soát của cảm nhận cơ thể đã mất đi và thí dụ như có thể dùng mắt để với đến một ly nước. Phần lớn những người mất đi giác quan cơ thể phải nằm trên gường hay ngồi trên xe lăn suốt cuộc đời.

Việc ông Ian Waterman có thể tự đi lại được là một trường hợp ngoại lệ, nhờ vào một chương trình huấn luyện sáng tạo do ông tự nghĩ ra và nhờ vào ý muốn thành công sắt đá và sự siêng năng của ông. Hoàn toàn không có gì là tự động cả, ông phải có kế hoạch cho từng chi tiết của hành động. Khi đi lại hay chỉ ngồi yên, ông không được phép mất tập trung một giây phút nào. Chuyển động hết sức bình thường trong một ngày đòi hỏi những cố gắng của một vận động viên thể thao hàng đầu, như ông nói.

Ngược lại, những người khỏe mạnh gần như không nhận biết họ đã nghiêng về phía nào và bao xa để giữ được thăng bằng. Việc đó cứ như tự xảy ra thông qua sự nhận cảm của cơ thể.

Theo Phan Ba - VnExpress (Spiegel Online)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video