Kỳ lạ máy bay phục vụ đồ ăn từ phổ thông đến thương gia, nhưng tiếp viên vẫn mang cơm vì điều này

Chẳng bao giờ hành khách thấy cảnh các tiếp viên hàng không và phi công nghỉ ngơi ăn uống. Vậy họ ăn gì và có giống với đồ ăn mà chúng ta vẫn thường sử dụng?

Phi hành đoàn ăn như thế nào trên chuyến bay?

Thông thường, một bữa ăn tiêu chuẩn của phi hành đoàn khá giống với bữa ăn của hành khách hạng phổ thông. Tuy nhiên, phi hành đoàn sẽ có ba hoặc bốn lựa chọn, bao gồm cả ăn chay.

Một vài hãng bay "chịu chi" hơn để bữa ăn của phi hành đoàn chất lượng hơn. Chẳng hạn, với các chuyến bay đường dài, cả phi công và tiếp viên đều được cung cấp bữa ăn hạng thương gia.

Song, họ sẽ chỉ được lựa chọn đồ ăn sau khi các hành khách đã ăn xong. "Chúng tôi không thể dự đoán chính xác mỗi khách sẽ đặt món gì trên bất kỳ chuyến bay nào, vì vậy một khi khách của chúng tôi đã ăn xong, phi hành đoàn sẽ có lựa chọn các bữa ăn chính còn lại", Ben Inall, trưởng nhóm phát triển phi hành đoàn của hãng bay Virgin Australia và bản thân là một tiếp viên giàu kinh nghiệm cho biết.


Nhiều tiếp viên hàng không và một vài phi công mang thức ăn của riêng họ lên máy bay. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, thỉnh thoảng hành khách có thể không nhận được suất ăn đặc biệt hoặc có thể đã quá muộn để đặt suất ăn. Trong trường hợp này, các hãng sẽ cung cấp một bữa ăn dự phòng cho phi hành đoàn nếu thích hợp, đặc biệt trong trường hợp bữa ăn chay. Đây có thể là món salad từ khoang hạng thương gia, bánh mì và pho mát từ khay hạng phổ thông, cùng với một ít trái cây từ khoang hạng nhất.

Trên một chuyến bay không có giờ ăn cố định và không ai được phép ăn cho đến khi dịch vụ trên chuyến bay hoàn tất. Đa phần, phi hành đoàn sẽ đứng ăn càng nhanh càng tốt. Và để đảm bảo sự riêng tư, rèm bếp thường được đóng lại. Ngay cả khi dịch vụ đã hoàn tất, phi hành đoàn vẫn phải trả lời chuông gọi và thực hiện nhiệm vụ.

Một bí mật được nhiều các tiếp viên lâu năm tiết lộ đó là, họ sẵn sàng tự chuẩn bị bữa ăn cho mình bằng cách mang từ nhà đi hơn là ăn đồ của hãng hàng không.

Theo đó, bữa ăn trên các chuyến bay được cho là không tốt cho sức khỏe vì có nhiều muối và chất béo hơn để khiến cho thực phẩm "vừa miệng" hơn. Vì thế theo Tim Hibbetts, một phi công cho biết, nhiều tiếp viên hàng không và một vài phi công mang thức ăn của riêng họ lên máy bay.

Shreyas Parikh, tiếp viên hàng không, chia sẻ: "Tôi không thích ăn đồ ăn trên máy bay vì có nhiều dầu và muối, nó không thực sự tốt cho sức khỏe nếu ăn hàng ngày. Vợ tôi cũng làm tiếp viên và đã không ăn đồ ăn hàng không từ hơn 15 năm nay".

Cùng quan điểm, Suzanne Strong, làm cho hãng Air Canada, cũng thổ lộ thường mang theo bữa ăn từ nhà. "Mặc dù chúng tôi được phục vụ nhiều loại thức ăn tuyệt vời trên máy bay, đặc biệt là trên các chuyến bay quốc tế, nhưng tôi vẫn cố gắng mang theo phần ăn của riêng mình. Tôi muốn đảm bảo rằng bản thân sẽ có một bữa ăn lành mạnh và theo sở thích", cô nói.

Còn theo lời của một tiếp viên hàng không tên Whytney, người đã làm việc với một hãng hàng không lớn của Mỹ trong 7 năm cho biết: "Thông thường, mọi người mang theo một hộp cơm trưa cách nhiệt khá lớn với mọi thứ trong đó: thịt, sữa chua, salad, trái cây và nhiều thứ khác," Whytney cho biết và yêu cầu giữ kín họ của mình vì lý do riêng tư.

Phi hành đoàn cũng có xu hướng khá sáng tạo khi ăn uống trên máy bay. Đôi khi chỉ với lát bánh mì sandwich, họ có thể biến tấu thành món ngon với nước xốt dùng để lót dạ đêm khuya trên chặng bay đường dài. Họ cũng có thể chế biến thành một món salad với những hạt mắc ca từ khoang hạng nhất và một chai giấm nhỏ để thành một bữa ăn sang trọng, lành mạnh hơn bữa ăn của phi hành đoàn được cung cấp từ hãng bay.


Phi hành đoàn cũng có xu hướng khá sáng tạo khi ăn uống trên máy bay. (Ảnh minh họa).

4 thứ tiếp viên không dám ăn trên máy bay

HuffPost đã nói chuyện với ba tiếp viên hàng không về những bữa ăn trên máy bay mà họ sẽ không bao giờ ăn giữa chuyến bay, cũng như những món họ thực sự khuyên dùng.

Món khai vị (mỳ ống và súp)

"Mỳ ống và súp thường chứa lượng muối lớn; một số suất ăn kiểu Ấn Độ cũng thế cho dù không có thịt. Các loại bánh sandwich có thịt nguội bên trong cũng có thể mặn hơn bình thường", Whytney nói.

Một nghiên cứu của Đức cho biết, áp suất trên máy bay khiến hành khách cảm thấy một số loại thực phẩm bị giảm hương vị. Để những món này trở nên dễ ăn hơn, các công ty cung cấp suất ăn thường cho vào nhiều muối hơn bình thường.

Theo chuyên gia dinh dưỡng Vanessa Rissetto (Mỹ), sự thay đổi áp suất khiến một số hành khách bị thiếu nước trong suốt chuyến bay; các món ăn có hàm lượng natri cao có thể làm nặng thêm chứng đau đầu liên quan đến mất nước, táo bón hoặc mệt mỏi. Để đối phó với tình trạng này, bà Vanessa khuyên dùng một số viên điện giải hoặc nước dừa để bù nước, ăn các loại rau, trái cây hoặc đồ ăn giàu protein để cảm thấy khỏe khoắn.

Jasmine King, tiếp viên hàng không có thâm niên 8 năm, từ năm 2015, khuyên rằng để tránh mất nước thêm, nên tránh đồ ăn nhẹ có vị mặn như các loại hạt, bánh quy mặn.

Khay phô mai

Nếu bạn đặt một khay pho mát trên máy bay với hy vọng chọn được món ngon, bạn có thể sẽ thất vọng.

"Hãy tránh xa các khay phô mai vì chúng không còn tươi", Jasmine khuyên và nói thêm, bản thân cô đôi khi cũng thấy thèm món này nhưng thực sự không khuyến khích mọi người ăn nó khi bay.


Sự thay đổi áp suất khiến một số hành khách bị thiếu nước trong suốt chuyến bay. (Ảnh minh họa).

Bít tết và thịt phi lê

Nhiều tiếp viên hàng không "kiêng" ăn hai món này trong thời gian làm việc vì theo kinh nghiệm của họ, bít tết và thịt phi lê thường được nấu không đúng cách. "Lò nướng quá lớn và người ta có thể nhét rất nhiều thực phẩm vào đó. Nếu bạn là người đặc biệt quan tâm đến cách chế biến thì không nên ăn 2 món này trên máy bay", một nhân viên của Delta Air Lines nói.

Theo các chuyên gia, các món ăn như bít tết, thịt phi lê nên được hâm nóng đúng cách để loại trừ nguy cơ ngộ độc.

Rượu, bia

Như đã nói ở trên, sự thay đổi áp suất trên máy bay khiến nhiều hành khách bị mất nước và rượu là thứ làm nặng thêm tình trạng này. "Rượu ảnh hưởng xấu đến cơ thể khi ở độ cao lớn", Whytney nói. Rượu cũng dẫn đến tình trạng thiếu oxy, liên quan đến lượng oxy thấp trong mô cơ thể.

Tiến sỹ Clare Morrison, chuyên gia y tế của MedExpress, cho biết: "Áp suất không khí trong máy bay thấp hơn bình thường nên cơ thể khó hấp thụ oxy hơn, có thể dẫn đến tình trạng choáng váng. Do đó khi ở trên máy bay, mọi người dễ say hơn lúc ở mặt đất, với cùng một lượng rượu".

Cập nhật: 24/10/2023 Phụ Nữ Số
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video