Kỷ lục mới về sản xuất hydro năng lượng mặt trời

Các nhà khoa học Australia phát triển phương pháp mới giúp tăng hiệu suất sản xuất hydro từ năng lượng mặt trời với các vật liệu chi phí thấp.

Sản xuất hydro bằng năng lượng mặt trời có tiềm năng lớn để thúc đẩy các nỗ lực phát triển bền vững trên toàn cầu. Tuy nhiên, phương pháp này thường không khả thi trong thực tiễn do chi phí sản xuất và vận hành quá cao. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) và Đại học New South Wales (UNSW) mang lại hy vọng mới khi lập kỷ lục thế giới về hiệu suất sản xuất hydro tái tạo từ năng lượng mặt trời với các vật liệu giá rẻ, Interesting Engineering hôm 5/9 đưa tin.


Minh họa công nghệ chuyển đổi năng lượng mặt trời thành hydro trực tiếp. (Ảnh: ANU)

Nhóm nghiên cứu đạt được hiệu suất chuyển đổi năng lượng mặt trời - hydro là hơn 20%. Họ tập trung vào việc kết hợp pin mặt trời tandem (loại pin mặt trời có nhiều khớp nối) với vật liệu xúc tác giá rẻ để tách nước thành hydro và oxy qua quá trình điện phân.

Phương pháp mới hợp nhất pin mặt trời với máy điện phân hydro thành một thiết bị có thể đem lại những cải tiến đáng kể về hiệu quả sản xuất, đồng thời giúp giảm chi phí, theo tiến sĩ Siva Karuturi tại Đại học Quốc gia Australia, đồng tác giả nghiên cứu. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Advanced Energy Materials.

"Trong loại máy điện phân tập trung thường chạy bằng điện lưới, màng ngăn và các điện cực được xếp chồng lên nhau với số lượng lớn, thường là hàng trăm chiếc, để đạt công suất sản xuất mong muốn. Điều này tạo ra một hệ thống phức tạp", Karuturi cho biết.

Trong điện phân quang điện trực tiếp, một bộ điện cực và màng ngăn có thể trực tiếp hợp nhất với các pin mặt trời thành một module hydro năng lượng mặt trời đơn giản hóa, không cần cơ sở hạ tầng điện và máy điện phân, dẫn đến hiệu suất chuyển đổi năng lượng cao hơn và chi phí thấp hơn.

Nhóm nghiên cứu ước tính thiết kế mới có thể giảm chi phí sản xuất hydro tái tạo xuống còn 2,3 USD mỗi kg, phù hợp với các mục tiêu mà Bộ Năng lượng Mỹ đặt ra. Đây là thông tin đáng mừng trong bối cảnh thế giới cố gắng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Cập nhật: 08/09/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video