Ký sinh trùng ăn thịt người do IS gieo rắc nguy hiểm như thế nào

Dịch bệnh chết người leishmania đang hoành hành ở Syria do trùng roi ký sinh ở máu gây loét da, phá hủy nội tạng như lá lách, gan, tủy xương...

Hơn 500 ca bệnh leishmaniasis đã được phát hiện ở Syria trong 12 tháng qua. Tổ chức y tế Trăng lưỡi liềm đỏ cho rằng nguyên nhân đến từ việc phiến quân Hồi giáo IS giết người bừa bãi và vứt các thi thể la liệt trên đường phố, khiến môi trường ô nhiễm nặng nề tạo điều kiện cho ký sinh trùng phát triển.


Một em bé bị bệnh Leishmania. (Ảnh: DM).

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng tránh dịch bệnh Mỹ (CDC), Leishmaniasis là bệnh do loại trùng roi leishmania ký sinh ở đường máu và hệ lưới - mô bào gây ra, lây lan qua vết cắn của ruồi cát nhiễm trùng. Bệnh được tìm thấy ở 90 nước, chủ yếu thuộc khu vực Trung Đông, châu Phi, một phần châu Á và châu Mỹ. Có nhiều loại leishmaniasis, trong đó phổ biến nhất là leishmaniasis da gây lở loét và leishmaniasis nội tạng phá hủy lá lách, gan, tủy xương.

Thông thường, thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 đến 6 tuần. Ban đầu ở vết ruồi đốt sẽ xuất hiện nốt sần đỏ sau chuyển thành mụn loét có bờ nổi lên lởm chởm, đáy lõm sâu có mô mọc thành hạt, xung quanh là vùng da dày, cứng. Ký sinh trùng sẽ tiếp tục phát triển, sinh sản, liên tục tấn công vào tế bào lành bên cạnh. Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm như tiêu chảy, sốt cao, suy nhược... tuy nhiên nhiều trường hợp bệnh nhân không biểu lộ triệu chứng nào.

May mắn không gặp biến chứng, vết loét sẽ thành sẹo lõm sau 2-12 tháng. Còn nếu không được chữa trị kịp thời, tỷ lệ bệnh nhân tử vong là 100% trong vòng 3-20 tháng.


Một loại ruồi cát. (Ảnh: Wikipedia).

Leishmania rất dễ hoành hành trong điều kiện kém vệ sinh. Người ở mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm bệnh, đặc biệt là cư dân sinh sống ở vùng ngoại ô. Nguy cơ lây lan cao nhất vào thời gian từ hoàng hôn đến bình minh khi ruồi cát hoạt động mạnh.

Theo ước tính, thế giới có khoảng 700.000-1,2 triệu ca mắc leishmaniasis da. Đối với leishmaniasis nội tạng, con số này là 200.000-400.000. Hiện các nhà khoa học vẫn chưa tìm được phương thức điều trị hiệu quả cũng như văcxin phòng ngừa căn bệnh này.

Do tình hình chiến sự phức tạp, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định dịch bệnh leishmaniasis đang bùng phát ở Syria đặt 13 triệu cư dân nơi đây vào tình thế nguy hiểm. Một báo cáo của cơ quan này cho biết: "Mặc cho cố gắng của chúng tôi, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng. Hơn 4 năm khủng hoảng đã khiến hệ thống y tế Syria gần như tê liệt". 58% bệnh viện ở nước này bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn.

Cập nhật: 31/05/2016 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video