Ký sinh trùng trong bọ xít hút máu đã lây qua chuột

Đã xác định được ký sinh trùng đường máu giống Trypanosoma có dầy đặc trong con bọ xít hút máu người. Mới đây, các nhà khoa học cũng đã tiến hành lây nhiễm ký sinh trùng này sang chuột bạch và chỉ 48 giờ sau, trong cơ thể chuột bạch đã nhiễm.

Trao đổi với VietNamNet ngày 12/9, TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật Viện khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết, ông và các đồng nghiệp đã tiến hành lấy máu trong con bọ xít hút máu thu được ở các nhà dân thời gian qua và tiêm trực tiếp vào khoảng 40 con chuột bạch.

Kết quả là, chỉ 48 tiếng sau đã thấy ký sinh trùng của bọ xít có trong máu chuột. Điều đó cho thấy, thích ứng của ký sinh trùng sang chuột là rất nhanh.

Dân thờ ơ...


Cụ Nhàn bên gian bếp phát hiện 270 con bọ xít đã bị đập và đốt bỏ và bếp mới liền kề (bên trái) được dựng tạm lên để lấy chỗ đun nấu. (Ảnh: Bảo Anh)

Tuy chưa có kết quả nghiên cứu cụ thể nào ở Việt Nam về loài bọ xít này nhưng các mẫu thu thập được của TS.Lam thì đang tăng dần lên ở phòng thí nghiệm.

Chiều 10/9, cụ cả Nhàn (85 tuổi) ở xóm 8A, thôn Đống Một, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội dỡ củi để chuẩn bị bữa cơm chiều thì thấy 3-4 con bọ xít chạy ra. Cụ vội lấy mấy thanhh củi gần đó đập liên hồi vào con bọ xít và thấy máu be bét cả một khoảng bếp.

Thấy cụ đập như vậy, ông Điền (70 tuổi) đi qua chạy vào xem thì phát hiện đó là loại bọ xít hút máu người - bản thân ông Điền trước đó đã bị đốt 2 lần. Ông Điền vào khu bếp nhà cụ Nhàn gỡ vài thanh củi ra thì tiếp tục bắt được khoảng 10 con và cho vào chai lavie.

Khoảng 2 tiếng sau đó, nhận được thông tin TS Trương Xuân Lam đã xuống hiện trường để thu mẫu bọ xít. Bàng hoàng và ngỡ ngàng khi củi dỡ ra đến đâu thì bọ xít ra đến đó, nhiều không kể xiết.

Mấy chục năm nay cụ Nhàn đun nấu trong khu bếp đó và củi thì thường xuyên được mua bổ sung và lưu cữu nên không để ý đến. Thấy có con bọ bò ra thì cũng chỉ đập chết dù lần nào cũng thấy máu nhưng không để ý đến.

Ổ bọ xít được dỡ ra, cụ bàng hoàng kể lại: "Không biết bao nhiêu con mà kể, tôi thấy phải đến một rổ, nâu nâu đen đen lúc nhúc, hãi lắm".

Cụ Nhàn còn kể thêm: "Chỗ bếp đó chuột cứ chạy đi chạy lại rầm rập lúc vắng người, "hành" tôi ghê lắm!".

TS Lam cũng hết sức ngạc nhiên và cho biết, đây là một ổ lớn nhất thu được từ trước đến nay với khoảng 270 con đều là bọ xít hút máu. "Các con bọ xít này có thể chưa đốt người nhưng ở đó có chuột, rất nhiều chuột", TS. Lam nói.

Bác Nguyễn Văn Quỳnh, người dân sống gần đó và cũng là người được TS. Trương Xuân Lam coi là cộng tác viên cho biết, cũng đã có lần trực tiếp bắt bọ xít bỏ vào lọ ở ngay trong nhà mình. Còn cách đó vài bước chân, khoảng tháng 6, em họ anh Duẩn (quê ở Quảng Ninh) lên ở nhờ anh - đang trọ tại nhà bác Quỳnh - để học thi ĐH cũng đã từng bị đốt.

Ngành chức năng... bỏ ngỏ?

Phần đông những người dân ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội chưa từng một lần nghe ngành chức năng cảnh báo về loài bọ xít này mà chủ yếu biết thông tin qua truyền thông đại chúng.

Cụ Nhàn cách đây 2-3 tháng đã nhìn thấy con bọ xít này khi đun củi và chỉ đập chết chứ từ trước đến nay chưa bao giờ nghe nói đến con côn trùng này cũng như tác hại của nó.


Ký sinh trùng đường máu giống Trypanosoma có dầy đặc trong con bọ xít hút máu người được chụp qua kính hiển vi nhân lên 400 lần (Ảnh do TS Trương Xuân Lam cung cấp)

Bác Quỳnh chia sẻ, xung quanh xóm trọ đó, cũng có một vài người bị đốt nhưng có thể chưa thấy tác hại vì người bị đốt chỉ thấy bị sưng tấy chỗ đốt và mệt mỏi khoảng 1 tuần mà chưa có biểu hiện nghiêm trọng nên họ thờ ơ. Thậm chí, bác Quỳnh cho biết, cũng đã nói chuyện với cán bộ y tế của thôn nhưng họ cho rằng, cái đó "không quan trọng" mà giờ đang tập trung chống dịch sốt xuất huyết, tiêu chảy,...

Cho đến chiều ngày 12/10, khi chúng tôi xuống hiện trường nơi bắt được 270 con bọ xít (2 ngày trước) thì cụ Nhàn cho biết, chưa thấy bất cứ ngành chức năng nào của thôn, xã đến phun thuốc hay có động thái gì ngoài TS.Lam xuống thu mẫu.

Sau khi thu mẫu nhà cụ Nhàn, TS.Lam đã hướng dẫn gia đình hủy toàn bộ sinh cảnh phát sinh ổ này để diệt được cả trứng. Đồng thời, lưu ý những người trong khu vực đó phải kiểm tra giường ngủ, các khe gỗ nhỏ.

Còn khoang bếp khoảng gần 2m2 nhà cụ Nhàn cùng mấy yến củi lập tức bị "hóa vàng" và bếp được xây sang ô đất bên cạnh.

Hiện nay, trong phòng thí nghiệm của TS. Trương Xuân Lam đang nuôi nghiên cứu khoảng hơn 400 con bọ xít hút máu bắt được từ các nhà dân trong vài tháng trở lại đây trên địa bàn Hà Nội.

Trước đó, ông Lam cho hay, trên thế giới đã có quá khứ khá tồi tệ với loài côn trùng này. Khi bọ xít hút máu người đốt sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu...

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có nghiên cứu nào cụ thể về loài bọ xít này. Và những nghiên cứu trên đây mới chỉ là công việc khởi động cho đề tài của Phòng Côn trùng học thực nghiệm được Chủ tịch Viện Khoa học và công nghệ giao nhiệm vụ.

Đích cuối cùng của công tác nghiên cứu là phải làm rõ, ký sinh trùng đường máu giống Trypanosoma có lây nhiễm sang người hay không.

Theo Vietnamnet
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video