Giải pháp sản xuất hạt giống nảy mầm sẵn của Lương Văn Trường (34 tuổi) giúp người nông dân không cần ngâm ủ hạt giống, nhận giải Ba cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023.
Sinh ra ở Nam Định, mảnh đất gắn liền với cây lúa, kỹ sư Lương Văn Trường mong muốn đưa đến cho người dân giải pháp sản xuất hạt giống thuận tiện nhất. Giải pháp của anh là cung cấp hạt giống nảy mầm sẵn giúp bà con nông dân dễ dàng sử dụng hạt giống, không lo bị gãy mầm hay thối hỏng như cách ngâm ủ hạt truyền thống.
Bằng cách phát triển một quy trình kỹ thuật, kỹ sư Trường giúp đưa hạt lúa giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông để duy trì sự sống khi gặp điều kiện bất lợi (như hạn hán). Hạt mầm được lưu trữ đến thời điểm thích hợp để gieo trồng. Người nông dân sau khi mua hạt giống không cần ngâm ủ mà mang gieo trực tiếp, hạt giống sẽ trở lại trạng thái nảy mầm và phát triển như thông thường. Hạt giống qua xử lý bằng giải pháp này sẽ nảy mầm rất nhanh, thông thường từ 30 đến 120 phút gặp điều kiện thích hợp là đã nảy mầm. Quy trình công nghệ này được anh hoàn thiện vào tháng 10/2020 và đăng ký bảo hộ sáng chế năm 2021.
Nhớ về hành trình khởi nghiệp, Lương Văn Trường kể, sinh ra trong gia đình làm nông tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Ngày nhỏ, nhà chỉ vỏn vẹn có 6 sào ruộng, lại chia thành nhiều ô cách rất xa nhau, anh khao khát khi lớn lên sẽ xóa những ô thửa nhỏ để sản xuất trên cánh đồng thẳng cánh cò bay và dùng hoàn toàn bằng máy móc. Với niềm đam mê với nông nghiệp, anh chọn theo đuổi ngành công nghệ sau thu hoạch tại trường ĐH Đà Lạt. Năm 2011 sau khi tốt nghiệp, Trường tham gia dự án quốc gia 600 phó chủ tịch xã trẻ, trở thành Phó chủ tịch UBND xã Lùng Thẩn, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai, phụ trách nông lâm nghiệp địa phương từ năm 2012-2016.
Lương Văn Trường (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người nông dân về giống lúa. (Ảnh: NVCC)
Hoàn thành nhiệm vụ, anh chọn về quê hương lập nghiệp, thuê lại 7 ha đất nông nghiệp để canh tác lúa. Bắt tay sản xuất với quy mô lớn ngay từ đầu khiến anh gặp khó. Đó là vụ mùa năm 2018, mưa lớn trong suốt hơn hai chục ngày liên tục khiến toàn bộ giống cứ gieo xong lại phải đổ bỏ vì không thể gieo được, hạt giống nảy mầm rồi rất khó bảo quản, vài ngày lại thối hỏng. "Tôi mất trắng 4 - 5 tấn giống, cả mùa vụ thiệt hại hơn một tỷ đồng", anh nhớ lại.
Thấy nhiều vùng trong tỉnh cùng chung hoàn cảnh, Trường quyết tâm nghĩ cách giúp bà con nông dân có thể bảo quản hạt giống lâu hơn và chủ động được công việc gieo trồng. Ý tưởng đưa hạt lúa giống đã nảy mầm về trạng thái ngủ đông cũng nhen nhóm từ đó.
Theo tính toán của Trường, quy trình có chi phí sản xuất công nghiệp chỉ khoảng 2.000 đồng/kg. Trong khi nếu người nông dân ngâm ủ hạt mầm tươi thì chi phí cho 1kg (gồm công, vật tư, nước, điện...) phải mất tối thiểu 10.000 đồng. Hiện Việt Nam trồng khoảng 7 triệu ha lúa, với khoảng 700.000 tấn giống mỗi năm. Nếu thực hiện theo quy trình này sẽ tiết kiệm khoảng hơn 3.000 tỷ đồng cho ngành nông nghiệp trong nước, giúp tiết kiệm hàng triệu công lao động mỗi mùa vụ.
Sản phẩm đã được sử dụng rộng rãi tại Nam Định. Anh cũng thử nghiệm tại một số tỉnh khác như Thái Bình, Bạc Liêu để đánh giá sự phù hợp của công nghệ với các vùng miền sản xuất khác nhau.
Chị Trần Thị Tuần, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, cho biết những túi hạt giống nảy mầm sẵn rất hữu ích và thuận tiện, không cần lo đến việc ngâm ủ giống, chủ động được gieo sạ. Vụ này, chị đặt mua hạt giống ST25, Bắc Thơm và Hương Cốm từ hợp tác xã Thanh Niên Nam Đại Dương do Trường làm chủ, cho hơn 1 mẫu ruộng. Hiện lúa lên đẹp và đồng đều.
Chị kể đã làm đối chứng giữa hai giống nảy mầm sẵn và ngâm ủ truyền thống. "Ban đầu tôi hơi sốt ruột vì sợ hạt giống khi gieo không lên được, nhưng sau đó nảy nở rất khỏe, tỷ lệ nảy mầm lên cây cao", chị nói. Chị Tuần cho biết cũng giới thiệu, hướng dẫn một số nhóm hộ nông dân trong xã sử dụng. Chị đánh giá Trường là thanh niên trẻ rất có duyên với nông nghiệp, nông dân, chịu khó mày mò, sáng tạo nghiên cứu rất hữu ích.
Lương Văn Trường (áo đen) cùng người dân thực nghiệm tại cánh đồng lúa ở xã Minh Tân, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. (Ảnh: NCVV).
Từ một nông trại nhỏ, Trường cùng các đồng nghiệp thành lập HTX thanh niên Nam Đại Dương hồi đầu năm 2021, quy mô gần 40 ha. Với những nỗ lực và đóng góp, Lương Văn Trường được nhận giải thưởng sáng tạo khoa học tỉnh Nam Định 2021, Giải thưởng Lương Định Của dành cho Nhà nông trẻ xuất sắc... "Mình kỳ vọng công nghệ sớm được sử dụng rộng rãi ở cả Việt Nam và thế giới, giúp nhà nông giảm thiểu rủi ro và thiệt hại mỗi khi thiên tai xảy ra và nâng cao lợi nhuận, sản xuất nhàn hơn", Trường nói.
Chia sẻ với PV, ông Trần Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định, đánh giá cao sáng kiến của Lương Văn Trường ứng dụng vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng. Dự án của anh cũng được Sở hỗ trợ quá trình nghiên cứu khảo nghiệm, đánh giá kết quả và xây dựng thương hiệu.
Ông cho biết thêm Trường là một trong những gương mặt thanh niên tiêu biểu, năng động trong nhiều hoạt động trao đổi kinh nghiệm, truyền cảm hứng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. "Tôi kỳ vọng những ghi nhận của ban tổ chức và hội đồng giám khảo với cá nhân Lương Văn Trường sẽ tạo động lực, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh", ông Quang nói.
Tác giả Lương Văn Trường (giữa) nhận giải ba với dự án hạt giống nảy mầm sẵn. (Ảnh: Giang Huy).
Giải pháp của Lương Văn Trường, được Hội đồng Giám khảo cuộc thi Sáng kiến Khoa học đánh giá có hiệu quả tác động lớn trong việc sản xuất giống lúa, trong bối cảnh đất nước có nền nông nghiệp chiếm ưu thế. Các nhà khoa học cũng góp ý tác giả cần làm rõ cách thức thay đổi và chuyển hóa tác động đến quá trình nảy mầm nhằm cải tiến tối ưu quy trình công nghệ.