Thực tế, những đàn chim lớn luôn là nỗi ám ảnh của phi công và các hãng hàng không trong quá trình vận hành. Rất nhiều quốc gia đã và đang thực hiện những phương pháp ngăn chặn chim bằng nhiều cách độc lạ, thậm chí gây tranh cãi.
Chim gây hại tới 650 triệu USD với hàng không Mỹ
Vụ chim trời va chạm với máy bay lần đầu tiên được ghi nhận từ năm 1905. Từ đó đến nay, số vụ va chạm giữa chim trời và máy bay không ngừng tăng. Tổ chuyên gia đến từ Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dự đoán, nguy cơ, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ va chạm giữa máy bay với động vật hoang dã sẽ còn tăng cao trong vòng 1 thập kỷ tới.
Con số này được tính toán dựa trên dữ liệu về lưu lượng hàng không, số lượng chim và xu hướng máy bay động cơ đôi.
Một chú chim vài kg va chạm với chiếc máy bay hàng trăm tấn thường là vô hại nhưng mọi chuyện sẽ rất khác nếu đó là cả đàn từ hàng chục tới hàng trăm con. Trong một số trường hợp, một chú chim nhỏ cũng có thể gây ra những thiệt hại lớn khi nó bị hút vào động cơ máy bay.
Các vụ chim tấn công còn đặt tính mạng của các thành viên phi hành đoàn và hành khách vào vòng nguy hiểm.
Tại Mỹ, Ủy ban Chịu trách nhiệm Vấn đề Chim tấn công được thành lập năm 1991 ước tính, hàng không dân dụng và quân sự Mỹ thiệt hại hơn 650 triệu USD/năm vì máy bay va chạm hoặc bị chim tấn công.
Ngoài ra, các vụ chim tấn công còn đặt tính mạng của các thành viên phi hành đoàn và hành khách vào vòng nguy hiểm. Hơn 200 người thiệt mạng trên toàn thế giới vì các vụ máy bay va chạm với động vật hoang dã từ năm 1988.
Cách đây vài tháng, một máy bay của Không lực Canada CT-114 Tutor bị đàn chim lớn tấn công tại Kamloops, Canada và gặp nạn. Cơ trưởng Jenn Casey thiệt mạng và Cơ phó Richard MacDougal bị thương nghiêm trọng.
Dùng chim điện tử để đuổi chim thật
Sở dĩ sân bay thường là điểm trú ngụ hấp dẫn của những đàn chim lớn bởi đây là khoảng không gian mở và rộng lớn với môi trường đa dạng, thảm thực vật hấp dẫn: Thức ăn dồi dào, dễ tiếp cận và ít gặp động vật ăn thịt.
Để giảm thiểu nguy cơ va chạm, thông thường, các cảng hàng không thường kết hợp nhiều phương pháp để đuổi chim như: Dùng tia laser, pháo sáng, hiệu ứng ánh sáng, thiên địch (nuôi chim diều hâu, đại bàng để canh giữ sân bay), giăng bẫy, dùng chó huấn luyện…
Một vài nơi chọn cách thay đổi môi trường để giảm bớt mức độ hấp dẫn với các loài động vật lông vũ như xén bớt cỏ gần đường bay… Nhiều nghiên cứu cho thấy, sân bay có cỏ thấp thường hạn chế chim xuất hiện.
Dù vậy, những sự cố liên quan đến chim vẫn tiếp diễn. Lý giải điều này, ông Jordan Cicoria, người đồng sáng lập, Giám đốc quản lý Công ty Aerium Analytics - cha đẻ của The Robird (tên một chương trình kiểm soát chim trời) cho biết, các loài chim rất thông minh. Chúng rất nhanh chóng bắt kịp với sự thay đổi và tìm cách vượt qua.
Một số đội quản lý hoang dã tại sân bay quốc tế Edmonton, Canada từng thử nhiều chiến thuật như sử dụng máy tạo tiếng ồn, giăng bẫy, huấn luyện diều hâu đuổi chim.
Song vì xung quanh sân bay có sân golf, bãi rác và một số hồ nước nên không thể giải quyết triệt để vấn đề với chim. Rất nhiều loại chim di cư, ngỗng vẫn xuất hiện, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 11 khi ngỗng trời thường bay thành đàn từ miền Nam sang miền Bắc.
Nhờ có sự phát triển của công nghệ hiện đại, một số quốc gia bắt đầu đuổi chim bằng các thiết bị công nghệ. Năm 2017, Canada là quốc gia đầu tiên sử dụng máy bay không người lái có tạo hình chim đại bàng để doạ chim thật.
Chú chim giả Robird - sản phẩm của chương trình cùng tên (Robird) được đưa vào thử nghiệm đầu tiên với nhiệm vụ tuần tra không phận sân bay quốc tế Edmonton hàng ngày, đuổi chim mòng biển, ngỗng trời tụ tập thành đàn gây hiểm họa cho máy bay trong quá trình cất/hạ cánh.
“Chim” Robird do một người có chuyên môn điều khiển máy bay không người lái (UAV) vận hành và cần thêm một người quan sát với nhiệm vụ chính là đảm bảo chú chim này không “bay nhầm” vào đường băng, xung đột với máy bay chở khách.
Ngoài ra, một số sân bay lựa chọn cách khá tiêu cực như dùng súng bắn, sử dụng thuốc độc. Chẳng hạn sân bay Lishe ở miền Đông Trung Quốc đối phó với cò di cư bằng cách bắn, giăng bẫy, phun thuốc chuột vào nguồn thức ăn của chim. Sân bay Changi, Singapore mời hẳn một câu lạc bộ súng địa phương tới bắn chim sau khi vụ “Phép màu trên sông Hudson” xảy ra.
Nhưng những cách tiêu diệt chim như thế trên đối mặt với dư luận rất gay gắt. Hiện tại, sân bay Changi không còn sử dụng phương thức bắn chim mà thành lập một đội chịu trách nhiệm về vấn đề này và sử dụng thiết bị giả âm thanh để đuổi chim.
Sự kiện máy bay va chạm với chim được ghi vào lịch sử hàng không thế giới, được gọi là “Phép màu trên sông Hudson” xảy ra năm 2009. Chiếc Airbus A320 đối mặt với đàn ngỗng trời Canada ngay khi vừa cất cánh từ sân bay LaGuardia, New York dẫn đến chết động cơ. Phi công không thể chuyển hướng sang sân bay gần nhất và buộc phải hạ cánh xuống sông Hudson, may mắn không gây ra thiệt hại về người.