Làm nông nghiệp khiến con người... lùn đi

Nghiên cứu mới cho thấy có sự liên hệ đáng ngạc nhiên giữa nông nghiệp với chiều cao và sức khỏe con người.

Buổi bình minh của ngành nông nghiệp thế giới đã đồng hành với một xu hướng đáng ngạc nhiên. Từ Trung Quốc đến Nam Mỹ, người dân ở các nền văn hóa nông nghiệp trở nên lùn và có sức khỏe kém hơn so với tổ tiên “hành nghề” săn bắn, hái lượm của họ.

Theo trang tin Discovery, Amanda Mummert, nghiên cứu sinh thuộc Đại học Emory (Mỹ), đã thu thập số liệu thống kê về sức khỏe và chiều cao của con người từ những ngày nền nông nghiệp bắt đầu hình thành trên thế giới. Chuyên gia Mummert nhận định: “Nhiều người đã cho rằng sự hình thành nông nghiệp với một nguồn thức ăn ổn định giúp con người khỏe mạnh hơn. Nhưng cư dân nông nghiệp buổi sơ khai phải chịu tình trạng thiếu dinh dưỡng và gặp khó khăn trong việc thích ứng với áp lực thay đổi. Có lẽ vì họ đã trở nên lệ thuộc vào một số cây lương thực cụ thể hơn là có một khẩu phần ăn đa dạng hơn nhiều so với trước”. George Armelagos, giáo sư nhân chủng học và là đồng tác giả nghiên cứu, thì cho biết: “Từ góc độ văn hóa, chúng ta là những người theo chủ nghĩa sô-vanh về nông nghiệp. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng sản xuất thực phẩm luôn có lợi nhưng thực tế có thể phức tạp hơn thế”.

Bắt đầu từ khoảng 10.000 năm trước và tiếp tục cho đến gần đây, bất kể nơi đâu và trồng cây gì, mô hình này vẫn giống nhau. Nông nghiệp đã làm cho con người thấp đi và kém khỏe mạnh hơn. Sự lây lan của bệnh dịch tại các khu dân cư tập trung cũng như bệnh truyền từ động vật sang người cũng có thể góp phần gây ra tình trạng trên. Dần dần xu hướng này bị đảo ngược, đặc biệt là sau buổi bình minh của nền nông nghiệp cơ giới hóa tại các nước phát triển cách nay khoảng 75 năm.


Một số chuyên gia cho rằng có mối liên hệ giữa nông nghiệp với tình trạng
sức khỏe suy giảm 
(Ảnh: Reuters)

Các chuyên gia đã xem xét những tài liệu nghiên cứu về chiều cao người trưởng thành, sâu răng, mật độ xương, xương gãy được chữa lành và các chỉ số về sức khỏe khác từ những nhóm dân cư trên khắp thế giới khi họ bắt đầu làm nông. Các nhóm này đến từ những vùng sâu vùng xa của địa cầu, bao gồm Trung Quốc, Đông Nam Á, Bắc-Nam Mỹ và châu Âu.

Theo các nhà nghiên cứu, xương liên tục tự tái tạo. Bộ khung xương không hẳn cho biết người ta đã chết vì cái gì, nhưng chúng có thể cung cấp một cái nhìn sơ lược về khả năng thích nghi và tồn tại của con người. “Con người phải trả phí sinh học lớn cho nông nghiệp, đặc biệt là khi nói đến sự đa dạng dinh dưỡng. Thậm chí bây giờ, khoảng 60% calorie của chúng ta đến từ gạo, ngô và lúa mì”, chuyên gia Armelagos nói.

Ý tưởng cho rằng nông nghiệp là nguyên nhân dẫn đến suy giảm sức khỏe đã được Armelagos và M. N. Cohen đưa ra từ năm 1984 trong một cuốn sách có tựa đề Paleoanthropology at the Origins of Agriculture (tạm dịch “Cổ nhân loại học về nguồn gốc nông nghiệp”). Dù tác phẩm đã gây tranh cãi vào thời điểm đó nhưng ý tưởng trên giờ đây đã được chấp nhận rộng rãi. Nghiên cứu của chuyên gia Mummert chỉ ra mức độ phổ biến của mối liên hệ giữa nông nghiệp với tình trạng sức khỏe suy giảm và tập hợp các con số để hỗ trợ nhận định này.

Theo Thanh niên
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video