Làm ra thịt từ… không khí

Quy trình chăn nuôi để tạo ra thịt hiện nay của loài người được xem là một nguồn gây ô nhiễm không nhỏ cho hành tinh. Vì vậy giải pháp làm ra thịt từ… không khí không chỉ giúp bảo vệ trái đất của chúng ta mà còn tốt cho sức khỏe.

Air Protein là một công ty khởi nghiệp ở Vịnh San Francisco (Mỹ) khẳng định mình nắm trong tay công nghệ làm ra thịt từ khí CO2 vốn được xem là gây tình trạng nóng dần lên của bầu khí quyển.

Công nghệ của Air Protein bắt nguồn từ ý tưởng mà NASA từng nghiên cứu vào thập niên 1960. Khi đó, các nhà khoa học tìm cách cung cấp thực phẩm cho phi hành gia trong không gian và phát hiện có thể sử dụng tổ chức vi sinh vật để biến đổi CO2 từ hơi thở của phi hành gia thành thức ăn. Sử dụng quá trình tương tự trên Trái Đất ở bên trong bể lên men, công nghệ do Air Protein phát triển có thể giúp giảm đáng kể tác động của ngành công nghiệp thực phẩm tới môi trường


Bột protein nâu thu được từ quá trình lên men theo công thức bí mật của Air Protein - (Ảnh: AIR PROTEIN).

Từ "thịt ủ men"

Sự chuyển hóa khí thải thành thức ăn nhờ các vi khuẩn hydrogenotrophic tổng hợp ra tế bào sợi từ khí CO2. Quá trình chuyển hóa này cũng gần giống quá trình lên men làm sữa chua hoặc ủ men bia.

Theo hãng tin AFP, trong một thông cáo báo chí, công ty Air Protein cho biết: "đây là loại thịt đầu tiên làm từ không khí, tạo ra từ những thành phần có trong không khí mà chúng ta đang hít thở mỗi ngày".

Phía công ty còn khẳng định phát minh của họ "sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong cách sản xuất thực phẩm trong tương lai" bởi không lệ thuộc vào điều kiện đất đai, nguồn nước và điều kiện thời tiết như cách con người đang nuôi trồng hiện nay.

Air Protein tiết lộ chút ít về quy trình "làm ra thịt từ không khí" của mình như sau: trong các bình ủ men có vi khuẩn, họ đưa vào khí CO2 cùng với nước và nhiều khoáng chất. Sản phẩm thu được từ đó là loại bột màu nâu nhạt chứa đến 80% protein nhưng không có mùi vị.

Từ nguyên liệu protein này, nhà sản xuất thậm chí có thể làm ra nhiều "thực phẩm" khác nhau sau khi pha chế với những thành phần khác. Chẳng hạn làm ra thịt heo, thịt gà tây, bánh protein, nhân thịt cho bánh hamburger…

Cũng do sản xuất trong các hũ, bình chứa kín nên nhà sản xuất không cần đến đất đai và như vậy là không gây hại cho môi trường.

Còn xét về mặt dinh dưỡng, "thịt từ không khí" này được tạo thành với 9 axit amin chính yếu như của "thịt thật" và như thế nó đầy đủ chất hơn loại "thịt chay" làm từ đậu nành hay đậu Hà Lan hạt (petit pois). Chưa kể loại thịt của Air Protein còn chứa nhiều vitamin như B12, hơn hẳn các loại "thịt chay" hiện có vốn gây thiếu chất cho những người chọn chế độ ăn chay.

Hiện nay, 1/4 đất đai trên thế giới đang được sử dụng để chăn nuôi gia súc, 1/3 đất nông nghiệp được dùng để trồng hoa màu nuôi gia súc. Do nhu cầu về thịt ngày càng tăng, nông dân và người chăn nuôi gia súc phải chặt phá rừng mưa Amazon. Năm 2050, con người có thể ăn nhiều thịt từ động vật hơn 68% so với năm 2010. Nhưng nếu có thể tạo ra thịt từ nhà máy sản xuất bằng phương pháp ủ, chúng ta có thể tiết kiệm các nguồn tài nguyên.

Air Protein là công ty con của Kiverdi, một công ty sử dụng quá trình tương tự để biến CO2 thành sản phẩm thay thế nhựa và nguyên liệu như dầu cọ. Các nhà nghiên cứu của Air Protein mất nhiều năm phát triển protein và công thức cho nguyên mẫu thức ăn, kết hợp bột protein tạo từ không khí với những nguyên liệu khác. Bột protein có vị trung tính, có thể sử dụng trong nhiều loại thực phẩm ngoài thịt như bổ sung cho ngũ cốc hoặc thanh protein. Công ty đang tìm kiếm thực phẩm phù hợp để đưa ra thị trường, theo giám đốc điều hành Lisa Dyson.

Đến "thịt 3D"

Trong tương lai, các nhà du hành vũ trụ có thể thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn "có thịt tươi" bên ngoài Trái Đất sau khi các nhà khoa học thí nghiệm thành công sử dụng máy in 3D để sản xuất thịt trên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).

Đây là lần đầu tiên họ tạo ra một lượng nhỏ thịt nhân tạo trong điều kiện không trọng lực.

Thí nghiệm trên được Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga đồng tài trợ, cùng với sự phối hợp của một số công ty công nghệ Mỹ, Nga và Israel.

Tháng 9 vừa qua, nhà du hành vũ trụ Oleg Skripochka đã tiến hành thành công thí nghiệm sản xuất thịt sử dụng máy in 3D do phòng thí nghiệm 3D Bioprinting Solutions của công ty y tế Invitro Nga phát triển.


Thịt 3D - (Ảnh minh họa)

Từ các tế bào do các công ty công nghệ thực phẩm của Mỹ và Israel cung cấp, chiếc máy in sinh học này đã sản xuất ra tế bào cá, thịt bò và thịt thỏ sử dụng từ trường trong điều kiện vi trọng lực. Tất cả các tế bào này đều cho thấy khả năng phát triển tốt trong không gian.

Thành tựu đột phá trên mở ra khả năng các nhà du hành vũ trụ trong tương lai sẽ có thể phát triển và sản xuất nhiều lương thực, thực phẩm ngay trên tàu không gian, đặc biệt phục vụ cho những hành trình dài ngày vào sâu trong không gian vũ trụ.

Hiện nay, họ thường dự trữ các thực phẩm đóng gói hút chân không hoặc sấy khô từ Trái Đất để chuẩn bị cho các chuyến bay vào không gian.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục chinh phục nhiều hành tinh khác trong hệ Mặt Trời, phi hành đoàn không thể mang theo số lượng lớn thực phẩm. Do đó, công nghệ in tiên tiến nói trên được đánh giá rất hữu ích cho ngành nghiên cứu và khám phá vũ trụ.

Gần đây, một số cơ quan vũ trụ khác cũng tiến hành thí nghiệm tương tự trong lĩnh vực này. Tháng 7 vừa qua, một máy in 3D của Mỹ đã được đưa lên ISS có thể sản xuất ra tế bào người trong không gian và đang được Cơ quan Vũ trụ châu Âu sử dụng để thí nghiệm.

Cập nhật: 29/09/2021 Theo Tuổi Trẻ/VNE
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video