Lần đầu tiên ghi hình cá voi xanh bú sữa mẹ

Cảnh tượng cá voi xanh mẹ cho con bú dưới nước lần đầu tiên được camera ghi lại trong chuyến di cư thường niên dài 5.000km của chúng.


Cá voi xanh con uống sữa mẹ. (Video: Angel Lai/Insiders Divers).

Các thợ lặn ghi hình cảnh tượng độc đáo ngoài khơi bờ biển Timor-Leste, Đông Nam Á, trong một chương trình khoa học do Đại học Quốc gia Australia (ANU) dẫn đầu, IFL Science hôm 5/7 đưa tin. Chương trình đã nghiên cứu cá voi xanh ở vùng biển này từ năm 2006.

Cá voi xanh con không bám vào mẹ khi uống sữa. Thay vào đó, cá voi xanh mẹ tiết sữa vào trong nước, sau đó con non sẽ tới uống.

Mẹ con cá voi xanh trong video đang thực hiện cuộc di cư thường niên dài 5.000km giữa miền nam Australia và biển Banda gần miền đông Indonesia. Vùng biển này là một "điểm nóng" của cá voi, nơi cá voi xanh, cá voi mõm khoằm, cá voi đầu tròn vây ngắn, cá voi đầu dưa và 6 loài cá heo thường xuyên qua lại. Nơi đây cũng có khá nhiều cá mập và rùa. Các kênh đại dương với độ sâu hơn 3.000m trong vùng là "xa lộ di cư" quan trọng cho động vật biển di chuyển giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

"Vùng biển sâu gần bờ của Timor-Leste, đặc biệt là eo biển hẹp Ombai-Wetar dọc theo bờ biển phía bắc nước này, là một trong những địa điểm dễ tiếp cận và tốt nhất thế giới để nghiên cứu cá voi xanh. Từ con non sơ sinh, cá voi mẹ đang cho con bú, đến những con trưởng thành đang tán tỉnh nhau, vùng biển Timor-Leste cung cấp cho giới nghiên cứu những hình ảnh đầu tiên về cuộc sống riêng tư của một trong những loài động vật lớn nhất nhưng khó nắm bắt nhất thế giới", phó giáo sư Karen Edyvane tại ANU, cho biết.


Cá voi xanh là loài động vật lớn nhất từng hiện diện trên Trái đất.

Sự xuất hiện của một con non gần Timor-Leste gây chú ý vì cho thấy khu vực này đóng vai trò lớn trong quá trình sinh sản và giai đoạn đầu đời của cá voi xanh. "Bằng chứng này chỉ ra, nơi đây không chỉ là khu vực kiếm ăn quan trọng của cá voi xanh mà còn quan trọng với quá trình sinh sản. Đến nay, thời điểm, địa điểm và cách thức sinh sản của cá voi xanh vẫn còn là bí ẩn", tiến sĩ Elanor Bell, nhà nghiên cứu tại Cơ quan Nam Cực Australia, nói.

Với chiều dài lên tới 33m, cá voi xanh (Balaenoptera musculus) là loài động vật lớn nhất từng hiện diện trên Trái đất. Chúng cũng là loài động vật nặng nhất từng tồn tại với trọng lượng 270 tấn.

Giới khoa học ước tính, vài thế kỷ trước, có hơn 350.000 con cá voi xanh sống dưới đại dương. Tuy nhiên, nạn săn bắt cá voi tràn lan vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 đã khiến số lượng cá thể giảm mạnh. Ngày nay, không quá 25.000 con còn sống. Dù vẫn được coi là loài nguy cấp, có bằng chứng cho thấy cá voi xanh đang phục hồi mạnh mẽ với số lượng cá thể trên toàn cầu đang tăng.

Cập nhật: 09/07/2024 VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video