Lần đầu tiên phát hiện hố thiên thạch đâm trên đỉnh núi

Các nhà khoa học Trung Quốc tìm thấy hố thiên thạch đỉnh núi đầu tiên trên thế giới, đường kính 1.400m, ở khu vực đông bắc nước này.

Phát hiện đặc biệt cung cấp một góc nhìn mới để tìm hiểu các cơ chế hình thành hố thiên thạch, các tác động biến chất - va chạm ở những địa hình và cảnh quan độc đáo, CGTN hôm 10/9 trích dẫn ý kiến của Chen Ming, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Tiên tiến về Công nghệ và Khoa học Áp suất Cao (HPSTAR) ở Bắc Kinh.


Ảnh chụp bằng drone cho thấy hố thiên thạch đỉnh núi đầu tiên trên thế giới trong công viên rừng quốc gia Baijifeng ở Tonghua, tỉnh Cát Lâm, đông bắc Trung Quốc. (Ảnh: HPSTAR)

"Đa số tiểu hành tinh va chạm với bề mặt Trái đất, tạo thành hố trũng hình chiếc bát hoặc những hố phức tạp với đỉnh ở giữa", Chen cho biết. Với đường kính 1.400m, chiếc hố mới phát hiện nằm trên đỉnh núi Baijifeng trong công viên rừng quốc gia Baijifeng ở Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm.

Chen cho biết thêm, đó là một vùng trũng dạng vòng tròn, với độ cao chênh lệch khoảng 400m từ vành cao nhất đến vành thấp nhất. Các nhà khoa học tin rằng nó hình thành do một vụ va chạm bolide diễn ra sau Kỷ Jura. Bolide là phiên bản hiếm gặp lớn và sáng hơn thiên thạch thông thường, phát nổ khi lao xuống khí quyển.

Điều này giải thích cho sự phân bố của một lượng lớn các mảnh đá có thành phần chủ yếu là sa thạch, với một lượng nhỏ đá granite, trên đỉnh núi Baijifeng. Chúng đã văng ra từ chiếc hố trong sự kiện va chạm. Sự hình thành của hố va chạm cũng làm thay đổi địa hình ban đầu của núi Baijifeng, biến đỉnh của nó thành đỉnh đôi với độ cao lần lượt là 1.318m và 1.300m.

Những miệng hố thiên thạch trên Trái đất là vùng trũng hình tròn, ra đời dưới tác động của thiên thể như tiểu hành tinh đâm vào Trái đất từ không gian. Thiên thạch không phải hiện tượng tự nhiên độc đáo nhưng là một trong những nền tảng quan trọng để giới khoa học nghiên cứu không gian. Tính đến nay, hơn 200 miệng hố va chạm được nhận dạng và xác nhận trên Trái đất như miệng hố Barringer ở Arizona, Mỹ và miệng hố Wolfe Creek ở Australia. Tuy nhiên, các miệng hố thiên thạch ở Trung Quốc cực hiếm.

Miệng hố Barringer hình thành dưới tác động của một tiểu hành tinh sắt - nickel đường kính 46 m, có niên đại hơn 50.000 năm và được bảo quản tốt. Vụ va chạm ban đầu tạo ra miệng hố có đường kính hơn 1.200 m và sâu 210 m, nhưng hiện nay nó chỉ sâu 150 m do xói mòn lấp đầy một phần miệng hố, theo NASA. Có hình dạng gần tròn, Wolfe Creek là miệng hố lớn thứ hai trên thế giới. Các nhà địa chất ước tính nó hình thành cách đây 300.000 năm khi một thiên thạch nặng hơn 40.000 tấn đâm vào Trái đất ở tốc độ khoảng 15 km/giây.

Đến nay, giới nghiên cứu đã xác định khoảng 200 hố va chạm trên mặt đất, hơn một nửa nằm ở châu Âu, Bắc Mỹ và Australia. Quá trình xói mòn thường phá hủy nhanh chóng hoặc chôn vùi miệng hố ở những khu vực thường có hoạt động kiến tạo, như gần vùng đứt gãy hoặc dưới đáy biển.

Cập nhật: 26/11/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video