Cả hai loài thằn lằn này đều thuộc họ tắc kè (Gekkonidae), giống Cyrtodactylus, được tìm thấy tại vùng núi Bà Đen (Tây Ninh). Cử nhân Nguyễn Ngọc Sang (Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM) là người đầu tiên phát hiện, thu mẫu.
Anh Sang và hai chuyên gia bò sát - lưỡng cư người Nga là Nikolai L. Orlov và Ilya S. Darevsky (Viện Động vật St. Petersburg) đã mô tả và đặt tên cho hai loài này.
Loài Cyrtodactylus nigriocularis có tên địa phương là thòi lòi và loài Cyrtodactylus badenensis có tên là thằn lằn vạch. Cả hai loài này đều sống ở hang đá hoặc ở các vách núi và mới được ghi nhận ở độ cao 100-500m.
Thằn lằn vạch có những vạch trắng ở lưng và đuôi, đầu vàng nâu và sống ở vách đá. Thòi lòi có mắt to và màu đen. So với thằn lằn vạch, thòi lòi có kích thước lớn hơn và khó tìm thấy hơn do chúng thường sống ẩn sâu trong hang đá. Bình thường thân thòi lòi có màu nâu, tuy nhiên màu sắc của thân cũng có thể đổi tùy ánh sáng và điều kiện sống.
Thòi lòi đã có tên khoa học là Cyrtodactylus nigriocularis |
Phát hiện trên được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành bò sát - lưỡng cư của Nga (Russian Journal of Herpetology) số 3, tập 13, năm 2006. Theo khẳng định của các chuyên gia, hai loài thằn lằn này hoàn toàn mới và trước đó chưa tìm thấy bất kỳ ở nơi nào khác. Phát hiện mới này đã cho thấy núi Bà Đen rất độc đáo không chỉ về văn hóa - lịch sử mà còn về đa dạng sinh học. Do vậy nơi đây cần được gìn giữ và bảo tồn.
Thằn lằn vạch từ nay đã có tên khoa học là Cyrtodactylus badenensis (Ảnh: N.N.Sang) |
THU THẢO