Lần đầu tiên xác định một thiên thể đến từ bên ngoài Hệ Mặt trời

Các nhà khoa học đã lần đầu tiên xác định được một vị khách đến từ vùng không gian liên sao bên ngoài Hệ Mặt Trời. Thiên thể này được xác định bởi các nhà nghiên cứu bằng kính thiên văn Pan-STARRS 1 ở Hawaii.

Suốt hàng chục năm qua, các nhà quan sát bầu trời vẫn liên tục tìm ra được hàng ngàn thiên thể mới nhưng tất cả chúng đều có xuất phát điểm là đâu đó trong Hệ Mặt Trời. Các thiên thể dù là xa xôi nhất cũng nằm ở Vành đai Kuiper hoặc xa hơn là Đám mây Oort, nơi ranh giới của Thái Dương Hệ.

Nhưng thiên thể được định danh là A/2017 U1 này là một thứ vô cùng mới lạ, nó có quỹ đạo cực kỳ rộng lớn, quỹ đạo hình hyperbol của nó dường như không bị ràng buộc bởi Mặt Trời. Theo những dữ liệu ban đầu quan sát được của Trung tâm Tiểu hành tinh của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế, thì rất có khả năng đó là một thiên thể "trốn thoát" khỏi một ngôi sao khác.


Vị trí của A/2017 U1 vào ngày 25/10 sau khi nó cắt ngang mặt phẳng hoàng đạo và đạt điểm cận nhật vào tháng 9 vừ qua. (Hình ảnh: NASA/JPL).

“Chúng tôi chờ đợi điều này từ hàng thập niên qua. Luôn có những giả thuyết về thiên thể này, những tiểu hành tinh hay sao chổi thuộc về một hệ hành tinh khác, rồi vì một lý do nào đó mà rời khỏi "quê hương" và lang thang vào bên trong Hệ Mặt Trời của chúng ta”, ông Paul Chodas từ Trung tâm Nghiên cứu những Thiên thể gần Trái Đất của NASA, cho biết.

Khi A/2017 U1 được phát hiện lần đầu tiên, các nhà khoa học cho rằng, đó là một sao chổi nên nó được định danh ban đầu là C/2017 U1 (C là comet, sao chổi). Nhưng những quan sát tiếp sau đó cho thấy nó không có những đám bụi khí bao xung quanh, nên nó được đổi định danh thành A là asteroid, tiểu hành tinh.

Dựa trên những quan sát ban đầu, các nhà khoa học cho biết thiên thể này lớn không quá 400 mét, bắt đầu xuất hiện trên trên bầu trời tại khu vực thuộc chòm sao Lyra. A/2017 U1 di chuyển trong không gian với tốc độ lên đến 92.000km mỗi giờ.

Quỹ đạo của A/2017 U1 gần như vuông góc với mặt phẳng hoàng đạo – mặt phẳng mà đồng phẳng với quỹ đạo của Trái Đất và các hành tinh trong Hệ Mặt Trời. Thiên thể đi cắt ngang mặt phẳng này vào ngày 2 tháng 9 vừa qua ở khu vực bên trong quỹ đạo của Sao Thủy.


Hình ảnh A/2017 U1 được chụp bởi Đài quan sát Tenagra ở Rio Rico, Arizona vào ngày 21 tháng 10 vừa qua. Tổng thời gian chụp là 9 phút, mỗi khung ảnh rộng 3 phút cung trên bầu trời. (Hình ảnh: Paulo Holvorcem & Michael Schwartz).

Một tuần sau đó, ngày 9 tháng 9, thiên thể này cách Mặt Trời là 37,6 triệu km và đạt điểm cận nhật – điểm gần Mặt Trời nhất. Với độ sáng biểu kiến cấp 20, rất mờ nhạt nhưng các nhà thiên văn vẫn quan sát được và ước tính nó rộng khoảng 160 mét với độ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời là 10%.

A/2017 U1 đến gần Trái Đất nhất vào ngày 14 tháng 10, ở khoảng cách 24 triệu km – gấp 60 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng. Thiên thể hiện nay đang ở bên trên mặt phẳng hoàng đạo và di chuyển theo hướng rời khỏi Hệ Mặt Trời với tốc độ lên đến 156.400km/giờ, hướng về chòm sao Pegasus.

Mặc dù những quan sát ban đầu đều cho thấy nó là một thiên thể đến từ không gian liên sao, nhưng vẫn cần thêm rất nhiều dữ liệu và bằng chứng khác để xác nhận chính xác điều này. Các nhà thiên văn đang tranh thủ quan sát và nghiên cứu A/2017 U1 bằng nhiều kính thiên văn tân tiến trước khi nó đi xa và biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta mãi mãi.

Cập nhật: 28/10/2017 Theo khampha
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video