Lăng mộ quyền lực nhất Trung Hoa: Kẻ duy nhất mạo phạm bị cả triều đình truy sát

Hoàng Đế (2717 TCN - 2599 TCN) hay Hiên Viên Hoàng Đế là một vị đế vương trong thời kỳ Tam Hoàng Ngũ Đế (9684 TCN - 2015 TCN). Ông được suy tôn là "Thủy tổ dân tộc Trung Hoa".

Chữ Hoàng (黃) trong tên ông có nghĩa là màu vàng, màu biểu trưng cho hành Thổ, hiểu nôm na tên ông là "Vua Vàng". Chữ này khác với Hoàng (皇) trong từ "hoàng đế" - danh xưng của các quân chủ kể từ thời nhà Tần.


Chân dung Hiên Viên Hoàng Đế. (Ảnh: Qulishi).

Sự tồn tại của Hiên Viên Hoàng Đế trong lịch sử mang nhiều màu sắc thần thoại, tuy nhiên, những chi tiết về Hoàng Đế đã thật sự xuất hiện trong Sử Ký củaTư Mã Thiên.

Theo Sử Ký, Hoàng Đế là con trai của Thiếu Điển - thủ lĩnh bộ lạc Hữu Hùng; ông có họ Công Tôn, tên thật là Hiên Viên. Hiên Viên sinh ra đã có tài năng phi thường, khi mới sinh đã biết nói, lớn lên vô cùng thông minh, nhanh nhạy.

Hoàng Đế sau này nối gót cha trở thành thủ lĩnh bộ tộc. Ông là người lãnh đạo anh minh, xây dựng được một quân đội vững vàng, còn dạy dân trồng ngũ cốc, thuần hóa thú dữ, giúp dân an cư lạc nghiệp nên bách tính vô cùng yêu mến và kính trọng.

Sau này, Hoàng Đế ra quân chinh phạt bộ lạc láng giềng của Viêm Đế, đánh bại bộ lạc của Xi Vưu. Công Tôn Hiên Viên đã thống nhất lưu vực sông Hoàng Hà, chư hầu tứ phương sau đó đều tôn ông là Thiên tử. Ông thiết lập các phép tắc, hệ tiêu chuẩn và áp dụng "đức trị" để cai quản vương quốc.


Theo truyền thuyết, Hoàng Đế đã có nhiều sáng chế giúp thay đổi đất nước. (Ảnh: Sohu).

Theo Sử ký chính nghĩa, dưới thời kỳ trị vì của Hoàng Đế, ông đã cùng các triều thần sáng chế ra văn tự cổ, phát minh ra toán thuật để tính số cùng nhiều phát kiến trong âm nhạc, y dược... Người vợ đầu tiên của Hoàng Đế là Luy Tổ cũng có công dạy cho phụ nữ cách nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa, từ đó Trung Quốc có ngành dệt may ngày nay.

Sau khi ông qua đời, các con cháu của ông kế thừa sự nghiệp trị quốc. Tương truyền, Thiếu Hạo, Chuyên Húc, Nghiêu, Thuấn cùng các vua nhà Hạ, Thương, Chu đều là con cháu của Hoàng Đế.

Trong lịch sử Trung Quốc, có rất nhiều ghi chép khác nhau về vị vua này, tuy nhiên dù là chính sử hay thần thoại cũng đều khẳng định Hoàng Đế chính là Thủy tổ của dân tộc Trung Hoa.

"Thiên hạ đệ nhất lăng"

Thần thoại kể rằng, khi Hoàng Đế 118 tuổi, ông đến phía Nam sông Hoàng Hà dạo chơi. Đột nhiên, trên bầu trời quang đãng phát ra tiếng nổ lớn, một con rồng vàng từ đâu bay tới cõng Hoàng Đế lên trời.

Khi con rồng bay qua Kiều Sơn (Thiểm Tây, Trung Quốc) dân chúng nhìn thấy vị vua trên lưng rồng thì vô cùng bất ngờ. Mọi người sau đó hét lớn, vừa chạy vừa khóc để tiễn đưa Hoàng Đế.


Địa thế tuyệt đẹp của Lăng Hoàng Đế tại tỉnh Thiểm Tây. (Ảnh: Sunatnight).

Hiên Viên Hoàng Đế vì yêu thương bách tính nên đã hạ phàm để an ủi người dân, nhưng sau cùng, ngài vẫn không thể phạm mệnh trời, đành miễn cưỡng rời đi chỉ kịp để lại bộ y phục màu vàng. Bộ y phục của Hoàng Đế sau này được đem đi thờ tự trong lăng của ngài.

Câu chuyện trên chính là thần thoại "Kiều Sơn long ngự" nhằm thể hiện lòng thành kính của người Trung Quốc với vị Thủy tổ dân tộc. Bốn chữ "Kiều Sơn long ngự" cũng được khắc lên bia đá trước lăng mộ của ông tới ngày nay.

Theo Sử ký, lăng mộ của Hoàng Đế hiện tọa lạc tại núi Kiều Sơn, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Tổng diện tích lăng là 4,36km vuông, địa thế tựa núi Kiền Sơn hùng vĩ, ba mặt hướng ra một nhánh sông Dương Tử.


Lăng mộ được bao bọc trong rừng bách cổ thụ ngàn năm tuổi. (Ảnh: China.org.cn).

Lăng cao 6m, được xây dựng trên nền hoàng thổ kiên cố. Lăng còn được bao bọc bởi rừng cây bách cổ thụ rộng 89,1ha, có hơn 81.600 cây bách; trong đó có hơn 30.000 cây trên 1.000 năm tuổi. Đây là những cây bách lâu đời nhất, lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Trung Quốc.

Trong khuôn viên Lăng Hoàng Đế còn có một cây bách cao 19m, đường kính thân cây 11m, tương truyền là chính tay Hiên Viên Hoàng Đế trồng. Các nghiên cứu cho thấy cây bách Hiên Viên có tuổi đời hơn 5.000 năm và theo Nhật báo nhân dân Trung Quốc, đây là cây bách có tuổi đời cao nhất tại quốc gia này.


Cây bách Hiên Viên 5.000 tuổi trong lăng Hoàng Đế. (Ảnh: Cnwest).

Những ghi chép trong sử sách cho thấy người dân đã biết thờ cúng Hiên Viên Hoàng Đế từ thời Xuân Thu (771 TCN - 476 TCN). Những cuộc hội thoại của Khổng Tử, Mạnh Tử với học trò được ghi chép trong sách cổ cũng nhiều lần nhắc tới việc thờ phụng vị vua này.

Theo những cuốn sách Lã thị Xuân Thu, Thất quốc khảo, Sơn Hải kinh, lăng mộ Hoàng Đế được xây dựng lần đầu tiên vào thời nhà Tần.

Lăng mộ này thực tế không có di hài bên trong nên đây đúng hơn là một đền thờ mà hậu thế thành lập cho ông. Không giống như các lăng mộ hoàng đế khác được hoàn thành trong một triều đại, lăng mộ Hiên Viên Hoàng Đế được xây dựng và tôn tạo xuyên suốt nhiều thời kỳ.


Lăng được xây dựng và tôn tạo qua nhiều thời kỳ lịch sử. (Ảnh: Cnwest).

Lưu Bang sau khi thành lập nhà Hán đã xây thêm một ngôi đền Hiên Viên dưới chân núi Kiều Sơn cho Hoàng Đế. Thời nhà Đường, triều đình cũng cho mở rộng diện tích lăng mộ và trồng thêm 1.140 cây bách xung quanh.

Tới thời Tống, do bờ sông bị xói mòn gây sạt lở, nguy hại tới đền Hiên Viên nên các quan viên địa phương đã trình bức chiếu lên triều đình, xin di dời vị trí ngôi đền và được Tống Thái Tổ cho phép.


Toàn cảnh Lăng Hoàng Đế tại núi Kiều Sơn, Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: Baike).

Sau các triều đại Nguyên, Minh và Thanh và cho đến tận ngày nay, Lăng Hoàng Đế vẫn nhiều lần được hậu thế quan tâm tôn tạo và mở rộng.

Bên trong lăng cũng có nhiều bảo vật, vàng bạc châu báu mà người dân dâng lên qua nhiều thời kỳ để tỏ lòng tôn kính với vị đế vương quyền lực.

Với quy mô hoành tráng và những bảo vật quý giá, tưởng chừng lăng mộ sẽ trở thành tâm điểm thu hút mộ tặc nhưng trong suốt chiều dài lịch sử chỉ có đúng một kẻ cả gan xâm phạm Lăng Hoàng Đế. Kẻ đó là Bai Yanhu (1830 - 1882), một thủ lĩnh nổi loạn dưới thời nhà Thanh.

Năm đó, Yanhu đã ra tay tàn sát người Hán ở Thiểm Tây và Cam Túc, còn định phá hủy Lăng Hoàng Đế, gây chấn động quốc gia.


Người dân Trung Quốc luôn tỏ lòng thành kính với vị Thủy tổ dân tộc. (Ảnh: Cnwest).

Tuy nhiên, chưa vào được lăng thì hắn đã bị triều đình truy sát, phải chạy trốn sang Nga. Chính quyền nhà Thanh thấy vậy không để kẻ trộm mộ chạy thoát, ban thưởng 200.000 lượng vàng cho ai bắt được Bai Yanhu ngoài biên giới. Cuối cùng hắn cũng phải bỏ mạng ở Đế quốc Nga.

Sở dĩ, không một kẻ mộ tặc nào khác dám mạo phạm lăng mộ của Hoàng Đế vì ông là Thủy tổ của cả dân tộc, dân chúng luôn tôn thờ và tỏ lòng thành kính với ông.

Bất cứ kẻ nào cũng sợ phải phạm phải tội bất kính và bị trừng phạt nặng nề khi trộm cổ vật bên trong lăng mộ của ông.

Các vị vua của những triều đại sau hay các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay đều thường xuyên đến Lăng Hoàng Đế chiêm bái, dâng hương tỏ lòng thành kính với vị Thủy tổ.

Ngày 4/3/1961, Lăng mộ Hoàng Đế được Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phong danh hiệu "Thiên hạ đệ nhất lăng", hay "Lăng mộ đầu tiên tại Trung Quốc".

Cập nhật: 24/09/2020 Theo Pháp luật và bạn đọc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video