Lắp ghép thành công hai mảnh kiếm Viking sau 1.200 năm chia tách

Thanh kiếm cổ bị thiếu lưỡi nhưng có chuôi trang trí kỳ công với nhiều hình khắc tinh xảo và những chi tiết bằng vàng, bạc.

Các chuyên gia tiến hành ghép hai mảnh của một thanh kiếm Viking tinh xảo bị chia tách suốt khoảng 1.200 năm, Live Science hôm 10/6 đưa tin. Những thợ săn kho báu nghiệp dư ở Na Uy lần lượt phát hiện chúng cách nhau một năm.


Chuôi của thanh kiếm Viking được trang trí công phu. (Ảnh: Lise Chantrier Aasen/Bảo tàng Khảo cổ Stavanger)

Mảnh đầu tiên do một thợ dò kim loại ở Stavanger, bờ biển phía tây Na Uy, tìm thấy khi đang rà quét quanh một trang trại. Người đàn ông đã trao mảnh kim loại nhỏ và kỳ lạ này cho bảo tàng khảo cổ địa phương. Mùa xuân năm nay, bạn của người này đào được mảnh còn lại ở gần đó.

"Thanh kiếm thuộc loại quý hiếm, bắt nguồn từ bán đảo Scandinavia nhưng cũng được tìm thấy ở Tây Âu (những nơi thuộc Pháp, Anh, Ireland ngày nay) và Đông Âu, ví dụ như Hungary", Ann Zanette Glorstad, nhà khảo cổ tại Đại học Oslo, cho biết.

Thanh kiếm thiếu phần lưỡi, nhưng chuôi được trang trí công phu với nhiều hình khắc tinh xảo và những chi tiết bằng vàng, bạc. Mỗi đầu của đốc kiếm (bộ phận chắn giữa lưỡi và chuôi) đều có hình giống một con vật chưa xác định.


Hai đầu của đốc kiếm khắc họa đầu của một con vật chưa xác định. (Ảnh: Lise Chantrier Aasen/Bảo tàng Khảo cổ Stavanger)

Dựa trên cách trang trí, Glorstad cho rằng thanh kiếm có thể được rèn tại đế quốc Frank hoặc Anh vào khoảng năm 800. Tuy nhiên, cũng có khả năng một thợ rèn giỏi người Na Uy đã tạo ra nó với cảm hứng từ vũ khí của đế quốc Frank. Trong khoảng 3.000 thanh kiếm Viking được tìm thấy tại Na Uy, chỉ khoảng 20 thanh tương tự với vũ khí mới phát hiện. Chủ nhân của nó cũng là một bí ẩn.

"Chúng tôi chỉ có thể đoán xem thanh kiếm thuộc về ai. Nó là một thanh kiếm ấn tượng và trang trí tinh xảo nên phải thuộc về một người có đủ khả năng sở hữu nó, một người muốn chứng tỏ địa vị xã hội của mình", Glorstad nói.

Kiếm từ thời đại này đôi khi khắc tên chủ nhân trên lưỡi, theo Viện Nghệ thuật Chicago. Tuy nhiên, lưỡi của thanh kiếm ở Stavanger bị thất lạc nên các nhà khảo cổ sẽ phải dựa vào manh mối khác để tìm ra danh tính chủ nhân của nó.

Năm 1883, cách nơi phát hiện thanh kiếm không xa, người ta khai quật được mộ của một nữ hoàng Viking giàu có. "Chúng tôi biết rằng khu vực này có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng việc tìm thấy thanh kiếm như vậy vẫn rất bất ngờ", Hakon Reiersen, chuyên gia tại Bảo tàng Khảo cổ Stavanger, chia sẻ. Thanh kiếm hiện nằm trong bộ sưu tập của bảo tàng, dự kiến được trưng bày sau khi phục hồi cẩn thận.

Cập nhật: 13/06/2022 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video