Những vi khuẩn cổ đại hàng trăm nghìn năm tuổi tại miệng hố sụt dài một kilomet có thể giúp các nhà nghiên cứu đối phó tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Các nhà nghiên cứu đến từ Viện Y học Thí nghiệm St Petersburg đang lên kế hoạch nghiên cứu virus và vi khuẩn lấy từ trầm tích đất đóng băng vĩnh cửu ở một vùng sụt lún khổng lồ gọi là miệng hố Batagai để xem chúng có thể giúp sản xuất dòng thuốc kháng sinh mới hay không. Miệng hố hình con nòng nọc này nằm gần làng Batagai, cách Yakutsk 660 km về phía đông bắc, xuất hiện vào cuối thập niên 1960 khi cánh rừng trong vùng được phát quang.
Hiện nay, miệng hố dài một kilomet, rộng 800 m và sâu hơn 100 m. Đây là kho báu đối với các nhà khoa học trên toàn cầu do chứa một số mẫu đất đóng băng cổ được bảo quản tốt nhất, theo giáo sư Julian Murton đến từ Đại học Sussex, Anh.
Các chuyên gia khoan chỏm đất đóng băng vĩnh cửu từ miệng hố Batagai năm ngoái. Trong tháng 3, nghiên cứu sẽ bắt đầu ở các phòng thí nghiệm tại Yakutsk và St-Petersburg. Nhóm nghiên cứu hy vọng những tổ chức vi sinh vật bảo quản trong mẫu vật có niên đại lên tới 200.000 năm có thể đóng vai trò hữu ích trong việc tạo ra thuốc kháng sinh.
"Tôi sẽ bay tới Yakutsk để lựa chọn những mẩu đất đóng băng để bắt đầu làm việc, sử dụng phương pháp vi sinh học và di truyền phân tử. Chúng tôi nhận thấy tình trạng kháng thuốc kháng sinh rất khó khăn. Cộng đồng khoa học rất quan tâm tới việc tạo nguyên mẫu thuốc để điều trị bệnh truyền nhiễm và đưa vào sản xuất", tiến sĩ Artemy Goncharov, trưởng Phòng thí nghiệm chức năng hệ gene và protein vi sinh vật ở Viện Y học Thí nghiệm, cho biết.
Một số nhóm nghiên cứu khác tại Nga và Anh cũng đang nghiên cứu mẫu vật đất đóng băng từ miệng hố Batagai.
Vùng lãnh nguyên Siberia là nơi có nhiều hố sụt rỗng siêu lớn hình thành do lớp đất đóng băng vĩnh cửu tan chảy, nhưng miệng hố Batagaika thu hút nhiều sự quan tâm hơn cả với biệt danh "Cổng địa ngục" do người dân địa phương đặt. Các cảm biến theo dõi sự phát triển của miệng hố cho thấy nó mở rộng 20 - 30 m mỗi năm do băng tan thành nước và trôi đi. Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy quá trình này, giải phóng khí gas và những quặng khoáng chất bị chôn vùi dưới băng suốt hàng nghìn năm.