Danh từ tiếng Anh này đã trở nên quen thuộc với nhiều người Việt Nam, từ giới tin học đến "ngoại đạo". Theo nghĩa chung nhất hiện nay, hacker là người xâm nhập bất hợp pháp hệ thống công nghệ thông tin mà họ có thể xác định rõ.
Khái niệm này bắt đầu hình thành từ thế kỷ 19, khi một nhóm thanh niên quản lý tổng đài điện thoại (công nghệ do Graham Bell phát minh) đã lợi dụng để chuyển hướng cuộc gọi, nghe lén các cuộc đàm thoại cùng nhiều trò "ma mãnh" khác. Từ khi phát hiện ra hành vi quấy rối này, người ta có xu hướng sử dụng nhân viên nữ nhiều hơn vì họ đáng tin cậy hơn.
Lịch sử hacker sơ khai khởi đầu vào những năm 1950 - 1960, bao trùm cả phần cứng lẫn phần mềm và xoay quanh phòng thí nghiệm trí thông minh nhân tạo tại Viện công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ). Những sinh viên thông minh với bản chất tò mò, từng xâm nhập hệ thống điện thoại và trung tâm điều hành của câu lạc bộ đường sắt Tech Model, đã bị cuốn hút bởi những chiếc máy tính đồ sộ trong viện. Giám đốc của MIT là Marvin Minsky cho phép họ tiếp cận trực tiếp với những cỗ máy này và đây được coi như nền tảng đầu tiên của các hacker tương lai. Các tên tuổi "sừng sỏ" sau này đều bắt nguồn từ đây như Peter Deutsch, Bill Gosper, Richard Greenblatt, Tom Knight và Jerry Sussman.
Sau MIT, các trung tâm đào tạo khác ở Mỹ cũng trở thành "đất" nuôi dưỡng nhiều mầm mống hacker như đại học Carnegie Mellon, Stanford. Ví dụ, khi phòng thí nghiệm trí thông minh nhân tạo Standford, dưới sự "chỉ đạo" của John McCarthy, chứng kiến chiếc máy SAIL tắt ngấm vào năm 1991 sau khi hacker gửi e-mail với thông điệp "chào tạm biệt" lên Internet như thể chính SAIL gửi lời "trăng trối" tới bạn bè. Thậm chí các trung tâm nghiên cứu có tính thương mại như ATT, Xerox... cũng bị biến thành ngôi nhà riêng của tin tặc với những cái tên như Ed Fredkin, Brian Reid, Jim Gosling, Brian Kernighan, Dennis Ritchie hay Richard Stallman.
Làn sóng hack khác được sinh ra ở câu lạc bộ máy tính Homebrew tại San Francisco (Mỹ). Đây là nơi hội tụ những người yêu thích điện tử và muốn xây dựng máy tính của riêng mình, không chỉ phần mềm mà cả phần cứng với mục đích mang tính cá nhân hơn, chứ không phải phá hoại tài sản của người khác. Nổi bật trong nhóm này là Lee Felsenstein, Steve Dompier, Steve Wozniak, Steve Jobs và Bill Gates, người đặt nền móng PC cho cả thế giới.
Tuy nhiên, đến khi máy tính trở nên phổ biến khắp toàn cầu, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, các hoạt động phá hoại từ xa tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn. Chính quyền Mỹ phải thiết lập hành lang pháp lý để uốn nắn hành vi của hacker nhằm bảo vệ lợi ích của những tổ chức, cá nhân dùng thiết bị này. Cuối những năm 1980, họ ban hành đạo luật chống lạm dụng và lừa đảo thông qua máy tính và thành lập trung tâm cứu hộ máy tính nhằm phản ứng nhanh trước các hành vi phạm tội. Theo luật pháp Mỹ, mọi hành vi thâm nhập máy tính của người khác mà không được phép sẽ bị khởi tố và phạt tù, phạt tiền, tùy theo mức độ nghiêm trọng.
Nhưng khi thế giới mạng bùng nổ chóng mặt, hoạt động của các nhóm hacker càng trở nên phức tạp hơn và khó kiểm soát hơn do biên giới quốc gia đã bị dỡ bỏ. Tin tặc ở nước này có thể tấn công website, lừa đảo người dùng Internet ở nước khác. Hàng loạt quốc gia phải xây dựng luật chống tội phạm tin học của riêng mình. Theo đó, nhiều nước yêu cầu hacker tấn công vào máy tính hoặc website đặt máy chủ tại nước nào sẽ bị dẫn độ về nước đó để xử lý và chịu án theo luật của họ.
Bản thân quan điểm trong giới hacker cũng rất mâu thuẫn. Người thì cho rằng họ hack để vui, không làm hại ai; người cho rằng chỉ nên khai thác lỗi để báo lại cho hãng phần mềm, nhà quản trị website hay hệ thống máy tính lớn. Nhóm khác thì âm thầm lợi dụng các lỗ hổng bảo mật để thu lợi cho mình. Chính vì điều này, một loạt thuật ngữ rắc rối đã ra đời để thể hiện bản chất của từng nhóm hacker.
- Hacker mũ trắng: là những chuyên gia lập trình chuyên tìm các lỗi của phần mềm với mục đích sửa chữa, xây dựng hệ thống an toàn hơn.
- Hacker mũ đen: đối lập với hacker mũ trắng, là những hacker phá hoại và trục lợi cho mình.
- Hacker mũ xanh/samurai: là những chuyên gia lập trình tài năng, được các hãng như Microsoft mời về làm việc chuyên tìm lỗi cho phần mềm của họ.
- Hacker mũ xám hay mũ nâu: là những người đôi khi làm công việc của hacker mũ trắng nhưng vẫn làm công việc của hacker mũ đen.
Dù tự nhận mình là giới nào, họ vẫn đang làm công việc xâm nhập hệ thống thông qua những lỗ hổng bảo mật. Nếu tấn công trái phép và gây hậu quả, hacker ở giới nào cũng bị xử trước pháp luật một cách bình đẳng.