Hình ảnh các vị quan tòa Anh quốc đội một bộ tóc giả màu trắng hoặc xám nhạt đã rất quen thuộc với nhiều người. Nhưng có rất ít người biết tới lịch sử ra đời của bộ tóc thú vị này...
Lịch sử ra đời
Những bộ tóc giả này ban đầu xuất hiện ở Ai Cập với chức năng bảo vệ vùng đầu khỏi cái nắng gay gắt trên các sa mạc. Sau này, các phụ nữ tại Rome đội chúng như một phụ kiện thời trang. Xu hướng này nhanh chóng đi xuống và mãi tới thế kỳ 17 mới thịnh hành trở lại bởi một lý do khá kỳ lạ là… chống chấy. Sự thịnh hành của tóc giả tại châu Âu (đặc biệt là Anh và Pháp) là để giúp bảo vệ tóc thật khỏi bị chấy. Người ta sẽ đội tóc giả thay vì cạo trọc đầu để chấy không tiếp xúc được với tóc.
Bộ tóc giả cầu kỳ của vua Louis XIV
Tuy mục đích ban đầu là để phòng bệnh nhưng tóc giả nhanh chóng trở thành biểu tượng thời trang vào năm 1624 sau khi vua Louis XIII đội chúng để che mảng đầu hói của mình. Đến giữa những năm 1600, vua Louis XIV thấy rằng việc đội tóc giả rất đẹp và thời trang nên đức vua và những người giàu có đã đội tóc giả để làm đẹp. Xu hướng này sau đó được vua Charles II tại Anh tiếp nhận năm 1663.
Khi mới xuất hiện tại Anh, tóc giả thường có màu tự nhiên như tóc nhưng do “mốt” rắc bột mỳ hoặc bột thạch cao lên tóc giả tại Pháp những năm 1690, người ta bắt đầu tạo ra những bộ tóc màu hồng, xanh hay xám. Các quan tòa ban đầu đứng ngoài xu hướng này nhưng tới năm 1705, họ bắt đầu đội tóc giả để phù hợp với xu hướng đang thịnh hành. Các bộ tóc giả của quan tòa gọi là peruke hoặc periwig.
Các mốt tóc giả thịnh hành thời đó
Những bộ tóc giả trong thời này thường rất dày và dài hết lưng. Đến năm 1720, người ta cắt ngắn bớt các bộ tóc thành kiểu bob wig hoặc campaign wig. Các quan tòa thì vẫn đội những bộ tóc giả dài truyền thống để giữ tính nghiêm trang thay vì “chạy theo mốt”. Sau những năm 1720, mái tóc giả màu bạc trở thành sản phẩm độc quyền của các quan tòa và không ai còn mang chúng nữa trừ họ.
Sự suy tàn
Những bộ tóc giả dần biến mất cùng với sự suy tàn của giới quý tộc. Tại Pháp, cuộc cách mạng Pháp năm 1789-1799 đã khiến giới quý tộc từ bỏ món tóc giả vì việc đeo một bộ tóc giả không khác nào tự “chỉ điểm” mình chính là người quyền lực và giàu có, từ đó rất dễ bị sát hại. Tại Anh thì lý do là để… tiết kiệm lương thực. Để phủ trắng các bộ tóc giả, giới quý tộc cần khá nhiều bột mỳ và đó là một sự phung phí nguồn lương thực với nạn đói đang gia tăng trong nước. Chính vì vậy, cả nước Anh đã cùng tẩy chay bộ tóc giả oai phong hợp mốt này. Những ai còn muốn đội tóc giả sẽ phải chịu thuế vô cùng đắt. Sau cùng tới những năm 1820 chỉ còn những thành viên cao nhất trong tòa án đội tóc giả. Bộ tóc từ dài cũng đã chuyển sang kiểu bob wig kinh tế hơn.
Bộ tóc giả của các quan tòa ngày nay
Bộ tóc giả còn bị phản đối do chất liệu làm tóc là lông động vật (chủ yếu là lông ngựa và dê) gây lãng phí và thương tổn đến loài vật. Ngoài ra chúng còn rất nặng, đắt đỏ và nhanh chóng bị bốc mùi nếu không được vệ sinh cẩn thận.
Tóc giả ngày nay
Đến những năm 1990, người ta vẫn còn nỗ lực để loại bỏ bộ tóc giả ra khỏi xã hội. Tuy nhiên, dân chúng vẫn cho đó là một truyền thống thú vị và cho phép các quan tòa đội chúng vì họ cho rằng bộ tóc thể hiện quyền uy của các quan tòa. Thậm chí chính các quan tòa cũng mong muốn được đội tóc giả để “chuyên nghiệp” hơn. Và bộ tóc giả đã chứng minh được sức mạnh của vẻ đẹp truyền thống cho đến ngày nay khi nó vẫn là một phần trang phục xử án quen thuộc của các quan tòa Anh quốc.