Lộ diện hành tinh giống Trái đất nhưng chứa điều khủng khiếp

Hành tinh cách chúng ta khoảng 4.000 năm ánh sáng có thể là hình ảnh của Trái đất 5 tỉ năm tới.

Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi TS Jessica Lu từ Đại học California ở Berkeley (Mỹ) đã phát hiện một hệ thống đặc biệt bao gồm một hành tinh giống Trái đất quay quanh một "thây ma" vũ trụ.

Theo Sci-News, toàn bộ cụm thiên thể được nghiên cứu được đặt tên chung là KMT-2020-BLG-0414.

Cụm này chứa một ngôi sao lùn trắng nằm cách chúng ta 4.000 năm ánh sáng. Quay quanh ngôi sao này là hành tinh giống Trái đất và một sao lùn nâu.


Một hành tinh giống Trái đất ở tiền cảnh với sao mẹ là một sao lùn trắng chết chóc - (Minh họa AI: ANH THƯ).

Ngoài ra, cụm này còn bao gồm một ngôi sao sáng nằm cách chúng ta tận 25.000 năm ánh sáng.

Vào năm 2020, hệ sao lùn trắng vô tình đi ngang phía trước ngôi sao sáng theo tầm nhìn từ Trái đất. Trường hấp dẫn của hệ sao ở gần đã phóng đại ngôi sao ở xa, khiến chúng cùng lóe sáng trong dữ liệu của mạng lưới kính thiên văn thấu kính vi mô Hàn Quốc.

Giờ đây, các nhà khoa học đã phân tích chi tiết dữ liệu đặc biệt đó và tìm ra hành tinh giống Trái đất nói trên. Chính xác hơn, đó là một Trái đất hậu tận thế, theo nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy.

Với khối lượng khoảng 1,9 lần địa cầu, nó vẫn được xếp vào nhóm hành tinh có khối lượng cỡ Trái đất. Nó cũng quay quanh ngôi sao mẹ với khoảng cách khoảng 2,1 AU. AU là đơn vị thiên văn, tương đương khoảng cách Mặt trời - Trái đất.

Đối chiếu các yếu tố, hành tinh xa xôi đó có thể từng có môi trường giống với thế giới chúng ta. Tuy nhiên, điều khủng khiếp nhất là nó đang quay quanh một sao lùn trắng.

Sao lùn trắng là vật thể "thây ma" trong vũ trụ. Mặt trời của chúng ta khi cạn năng lượng vào 5 tỉ năm tới cũng biến thành sao lùn trắng. Nhưng chính giữa đó là giai đoạn "hấp hối", bùng lên thành sao khổng lồ đỏ lớn hơn kích thước hiện tại rất nhiều.

Vì vậy, hành tinh giống địa cầu nói trên đã trải qua giai đoạn khủng khiếp khi sao mẹ của nó bùng lên thành sao khổng lồ đỏ.

Về mặt lý thuyết, các sao khổng lồ đỏ có thể nuốt chửng các hành tinh ở gần nó, trong phạm vi khoảng 1-3 AU tùy vào việc ngôi sao đó bùng dữ dội cỡ nào.

Đó là lý do các nhà thiên văn dự đoán Trái đất cùng với sao Thủy và sao Kim sẽ bị nuốt chửng 5 tỉ năm tới, còn số phận sao Hỏa thì "hên xui".

Có thể các hành tinh sống sót sau vụ bùng nổ đó. Hành tinh cách 4.000 năm ánh sáng nói trên là ví dụ. Tuy vậy, chắc chắn giai đoạn sao khổng lồ đỏ của ngôi sao mẹ đã quét sạch mọi sự sống ở đó.

Cập nhật: 27/09/2024 NLĐ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video