Sau khi hãng IBM tuyên bố làm được chiếc máy tính nhỏ nhất thế giới dài chỉ 1 mm, Đại học Michigan, Mỹ đã phá kỷ lục với chiếc máy tính nhỏ hơn, dài chỉ 0,3 mm.
Với kích thước như vậy, chiếc máy tính tí xíu này hoàn toàn bị "áp đảo" khi đặt cạnh một hạt gạo, theo báo Daily Mail.
Tuy nhiên cả hãng IBM lẫn Đại học Michigan đều không dám chắc việc các thiết bị siêu nhỏ của họ có hoạt động thực sự đúng "chất" của một máy tính hay không, vì cả hai mẫu máy tính nhỏ nhất thế giới cho tới nay đều sẽ mất hết mọi chương trình và dữ liệu trong nó nếu bị cắt nguồn điện.
Chiếc máy tính siêu nhỏ của Đại học Michigan bị "áp đảo" khi đặt cạnh một hạt gạo - (Ảnh: ĐH MICHIGAN).
Ông David Blaauw, giáo sư kỹ thuật máy tính và điện tử, người chủ trì công trình chế tạo chiếc máy tính nhỏ nhất thế giới của Đại học Michigan cho biết: "Chúng tôi không chắc có thể gọi chúng là những chiếc máy tính hay không. Đó còn là vấn đề quan điểm".
Tháng 3 năm nay, hãng IBM công bố chiếc máy tính có kích thước 1mm x 1mm của họ tại hội nghị Think 2018. Trước đó, ngôi vị máy tính nhỏ nhất thuộc về chiếc Michigan Micro Mote (M3) của Đại học Michigan có kích thước các chiều là 2x2x4mm. Chiếc máy này vẫn có khả năng duy trì chương trình và dữ liệu khi cắt điện.
Chiếc máy tính mới của Đại học Michigan có kích thước bằng 1/10 so với kích thước máy tính nhỏ nhất của IBM và vì quá nhỏ nên nó không thể bắt tín hiệu radio như thông thường. Theo đó nó nhận và phát dữ liệu bằng ánh sáng.
Thiết bị này được thiết kế để sử dụng một cảm biến chính xác có khả năng chuyển nhiệt độ thành những khoảng thời gian được xác định theo các xung nhịp điện tử.
Nó có khả năng cảm nhận được nhiệt độ ở những vùng nhỏ nhất, như các nhóm tế bào và cho biết thông tin với độ chính xác trong vòng 0,1 độ C.
Các nhà nghiên cứu hi vọng thiết bị mới này có thể sử dụng để ứng dụng hiệu quả hơn nữa trong công cuộc chẩn đoán và điều trị ung thư.