Việc đưa 4 con cá ngựa vằn hay cá sọc ngựa (zebrafish) lên không gian là một phần thí nghiệm về sự phát triển của động vật có xương sống trong môi trường vi trọng lực, theo trang phys.org ngày 27-5.
Cá ngựa vằn trong bể bơi của một viện nghiên cứu ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc - (Ảnh: Getty Images).
Dù những con cá vẫn sống tốt, song chúng đang cho thấy một số dấu hiệu mất phương hướng.
Các phi hành gia trên trạm Thiên Cung đã báo cáo những hành vi như bơi lộn ngược, bơi lùi và xoay tròn của cá, chứng tỏ tình trạng vi trọng lực đang ảnh hưởng đến nhận thức về không gian của chúng.
Cá ngựa vằn được đưa lên trạm Thiên Cung bằng tàu Thần Châu 18 cùng với một lô cây rong nước vào ngày 25-4. Mục đích của dự án là tạo ra một hệ sinh thái tự duy trì, nghiên cứu các tác động của cả môi trường vi trọng lực và bức xạ lên sự phát triển và sinh trưởng của những loài này.
Thiết bị môi trường sống dưới nước (AQH) tại một cơ sở của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản cho phép nghiên cứu cá trên ISS - (Ảnh: NASA).
Cá ngựa vằn là một loài cá nước ngọt thuộc họ cá chép, có nguồn gốc từ Nam Á và là một loài cá cảnh phổ biến.
Cá ngựa vằn được chọn làm đối tượng thử nghiệm vì chu kỳ sinh sản, phát triển ngắn và có bộ gene được giải trình tự đầy đủ. Ngoài ra, trứng cá trong suốt cho phép các nhà khoa học nghiên cứu sự phát triển của chúng một cách hiệu quả và nhanh chóng.
Đồng thời, cấu trúc di truyền của chúng có những điểm tương đồng với con người, có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc liên quan đến sức khỏe con người.
Việc quan sát loài cá đã được nghiên cứu kỹ trên Trái đất phát triển và thích nghi trong môi trường vi trọng lực giúp chúng ta hiểu nhiều hơn về sự sống và sự phát triển của động vật có xương sống khi tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt này.
Các phi hành gia trên trạm Thiên Cung vẫn lấy mẫu thức ăn và nước đều đặn trong khi máy quay cho phép họ giám sát môi trường sống của cá ngựa vằn.
Các giai đoạn phát triển của cá ngựa vằn - (Ảnh: phys.org).
Đây không phải lần đầu tiên cá ngựa vằn du hành vũ trụ. Kể từ năm 2012, một dự án nghiên cứu của Nhật Bản đã đưa cá medaka và cá ngựa vằn lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) để nghiên cứu môi trường sống của chúng.
Kết quả cho thấy mật độ xương của cá giảm chỉ trong vòng 10 ngày. Các phi hành gia cũng chịu ảnh hưởng tương tự nhưng không trong thời gian nhanh như vậy và họ có thể giảm thiểu ảnh hưởng nhờ tập luyện nghiêm ngặt.
Cá ngựa vằn cũng từng được gửi lên trạm vũ trụ Salyut 5 của Liên Xô năm 1976.
Sức khỏe và tính bền vững của cuộc sống động vật trong không gian là một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng để phục vụ nỗ lực du hành vũ trụ của con người. Nếu con người phải thực hiện những nhiệm vụ dài ngày ngoài vũ trụ, chẳng hạn như đến sao Hỏa, việc hiểu về ý nghĩa sinh học của du hành vũ trụ là rất quan trọng.
Những con cá ngựa vằn này là thí nghiệm mới nhất trong chuỗi các thí nghiệm được thực hiện trong lĩnh vực nghiên cứu cấp bách này.