NASA đưa 2.487 con sứa vào không gian: Chúng sinh sản thành công nhưng lại có điều bất thường

  •   4,73
  • 7.472

Cuối thập niên 1940, con người đã thực hiện các thí nghiệm đưa các loài động vật vào không gian để theo dõi ảnh hưởng của môi trường vi trọng lực (microgravity) đến các sinh vật sống.

Các "phi hành gia động vật" nhiều lần thực hiện các nhiệm vụ khác nhau trong không gian. Trong đó, một sứ mệnh của NASA đã đạt được thành công vang dội: Đưa 2.487 con sứa biển sinh sản trong không gian.

Nằm trong Sứ mệnh Spacelab Life Sciences lần đầu tiên của NASA (SLS-1) khởi động năm 1991, 2.487 con sứa đã được đóng gói trong túi nước biển và phóng vào không gian trên tàu con thoi Columbia.

Kết quả khảo sát thật bất ngờ, sau hơn nửa tháng bay quanh Trái đất, 2.487 con sứa biển đã sinh sản lên đến hơn 60.000 con. Dường như trong không gian, khả năng sinh sản của sứa được tăng cường rất nhiều.

Các nhà khoa học lúc đó dấy lên hi vọng mới và chuẩn bị sử dụng phương pháp tương tự để thử nghiệm khả năng sinh sản của các loại thủy sản khác trong không gian. Xa hơn nữa, họ hy vọng con người cũng có thể sinh sản trong không gian, biến vũ trụ thành nơi sinh sống lâu dài.

Phát hiện điều bất thường

Tuy nhiên, chưa kịp hiện thực hóa điều này thì các nhà khoa học trong dự án đã nhận ra một điều bất thường.

Tất cả những con sứa được sinh ra trong không gian đều trở thành "sứa khờ" khi được mang về Trái đất, chúng bơi như đầu cắm xuống đất, di chuyển loạng choạng như kẻ say rượu.

Những con sứa này đã mất đi khả năng định hướng, chúng di chuyển khó khăn hơn nhiều so với những người họ hàng sinh ra từ Trái đất, hay nói cách khác, sứa không gian hoàn toàn lạ lẫm với từ trường ở hành tinh này.


Những con sứa không gian "mù tịt" về từ trường trên Trái đất. (Ảnh: The Conversation).

Bên trong một con sứa thông thường sẽ có rất nhiều thụ thể xác định từ trường (graviceptor) dưới dạng các tinh thể canxi sunfat, được giữ trong các túi bao có tế bào lông nhạy cảm. Khi một con sứa thay đổi hướng di chuyển, các tinh thể canxi sunfat sẽ lặn xuống đáy các túi và báo hiệu cho các tế bào lông đi theo hướng nào.

Các nhà nghiên cứu chú ý rằng, thụ thể xác định từ trường của sứa không gian trông vẫn bình thường nhưng lại không phát huy tác dụng. Có thể những thụ thể này đã bị hiệu chỉnh sai, hoặc kết nối không chính xác với hệ thần kinh của sứa.

Con người cũng có một chất lỏng ở tai trong vận hành tương tự như các thụ thể xác định từ trường của sứa. Bởi vậy, nhiều khả năng con người được nuôi dưỡng trong môi trường phi trọng lực sẽ không thể di chuyển bình thường khi quay trở lại Trái đất.

Nhiều loài động vật được sinh sản trong không gian khác cũng từng ghi nhận hiện tượng này. Theo NASA, cá và nòng nọc bơi theo đường vòng thay vì đường thẳng khi được đưa lên vũ trụ.

Năm 2007, Jeffrey Alberts đã làm việc với NASA để nghiên cứu xem chuột mẹ dành tuần cuối cùng của thai kỳ trong không gian sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chuột mới sinh.

Alberts phát hiện ra những con chuột con được sinh ra ngoài vũ trụ không thể tự lật mình, chúng nằm ngửa bụng ngay cả khi ở dưới nước. Tuy nhiên, tình trạng này không kéo dài mãi mãi, cảm giác bình thường về trọng lực cũng được khôi phục dần theo thời gian.

Một nghiên cứu được công bố trên PLoS ONE vào năm 2011 cho thấy, ốc sên sống trong không gian lại rất nhạy cảm với trọng lực. Khi bị nghiêng hoặc lộn ngược, chúng cố gắng xoay mình nhanh hơn những con ốc sên sinh ra từ Trái đất, nhưng không phải lúc nào chúng cũng xoay đúng hướng.

Các nhà khoa học sẽ cần nghiên cứu thêm trước khi có thể kết luận việc lớn lên trong không gian tác động đến con người như thế nào. Nhưng có thể dễ nhận ra, lớn lên ở môi trường vi trọng lực chắn hẳn sẽ rất "kỳ quặc".

Cập nhật: 15/07/2024 Theo phapluatbandoc
  • 4,73
  • 7.472