Loài cá heo cực hiếm này thực sự sắp tuyệt chủng, cả thế giới chỉ còn chưa đầy 10 con

Bi kịch của loài cá heo này - cũng giống bao loài khác - đến từ chính con người.

Giữa vịnh California (Hoa Kỳ) có một loài vật mang cho mình vẻ ngoài nhỏ bé và cực kỳ ngây thơ, với cái tên "cá heo chuột" vaquita.

Vaquita (hay Phocoena sinus) là loài nhỏ nhất thuộc bộ cetacean (bộ cá voi) - nhóm các loài thú biển có vú bao gồm cá voi, cá heo và cá heo chuột. Cá heo chuột vaquita có đặc điểm nhận dạng khó lẫn là vòng đen quanh mắt, môi cong, đen nhánh… Cá heo vaquita có bề ngoài nhỏ bé, con cái chỉ dài khoảng 1,4m còn con đực 1,34m.

Chúng sở hữu phạm vi phân bố nhỏ nhất, gói gọn trong một khu vực nhỏ ở phía bắc Vịnh California.

Vaquita thường sinh sống tại các khu vực nước nông, đục ở ven biển và ít khi xuất hiện ở những nơi có độ sâu vượt quá 30 mét. Chúng có khả năng tồn tại ở những vùng nước nông mà từ đó có thể dễ dàng nổi lên mặt nước. Vaquita được thấy nhiều ở độ sâu từ 11 đến 50 mét, cách bờ biển từ 11 đến 25km, trên bề mặt bùn và đất sét. Môi trường sống lý tưởng của chúng bao gồm nước không trong và giàu dinh dưỡng, nơi có sẵn thức ăn cho chúng.

Và hiện tại đây cũng là những con cá heo hiếm nhất trên thế giới, được giới khoa học xếp vào dạng cực kỳ nguy cấp. Bởi lẽ theo nghiên cứu mới đây, số lượng cá heo vaquita ngoài tự nhiên hiện chỉ còn khoảng 10 con mà thôi.


Cá heo vaquita.

Trong tình huống may mắn nhất, con số có thể lên đến 22 cá thể, nhưng các chuyên gia đánh giá nó ít có khả năng xảy ra.

Thông báo được đưa ra trong Hội nghị quốc tế phục hồi Vaquita (CIRVA), sử dụng số liệu theo dõi trong năm 2018. Và bi kịch thay, vào chính cái ngày con số được công bố, người ta lại phát hiện thêm một trường hợp cá heo vaquita nữa tử vong.

Cụ thể, mới đây các chuyên gia thuộc tổ chức bảo tồn động vật biển Sea Shepherd đã đi tuần tại khu vực duy nhất có sự tồn tại của vaquita trên vịnh California. Có thể coi đây giống như là một khu bảo tồn, và vì thế chính quyền đã ra lệnh cấm các hoạt động đánh bắt cá tại đây.

Nhưng bất chấp lệnh cấm, nhóm chuyên gia bắt gặp một chiếc lưới cào được cài trộm, bên trong có xác của một sinh vật màu trắng. Cái xác khi đó đang phân hủy, nên họ chưa xác định được ngay danh tính của nó.

Có điều sau nỗ lực phân tích, đó là xác của một con cá heo vaquita. Hay nói cách khác nếu con số ước tính trong hội nghị là chính xác, thì lúc này cả thế giới chỉ còn 9 con mà thôi.

Được biết, người ta tìm thấy cá heo chuột vaquita từ năm 1958, và cảm thấy ấn tượng vì vẻ ngoài rất khó lẫn: vòng đen "bầm mắt", môi cong, đen nhánh... Nhờ vậy, chúng còn được gọi là "gấu trúc" của đại dương.

Bi kịch của vaquita bắt nguồn từ năm 1993, khi con người đẩy mạnh hoạt động và số lượng của các tàu đánh cá. Trong đó, việc sử dụng lưới cào càn quét đáy biển là nguyên nhân chính khiến cho loài cá này không còn đất sống. Ước tính, những tấm lưới sát thủ đó đã vô tình giết chết 700.000 động vật biển.


Việc sử dụng lưới cào càn quét đáy biển là nguyên nhân chính khiến cho loài cá này không còn đất sống.

Rõ ràng, đây là một dấu hiệu cực kỳ đáng lo ngại với các nhà bảo tồn đang dốc sức bảo vệ loài vật này.

"Một trong những sinh vật tuyệt vời nhất Trái đất sắp biến mất vĩnh viễn" - trích lời luật sư Sarah Uhlemann, giám đốc Trung tâm bảo tồn sinh học tại Hoa Kỳ.

Cũng theo Uhlemann, mọi chuyện một phần là do luật pháp hiện đang quá lỏng lẻo. Chính phủ Mexico đã ban hành lệnh cấm sử dụng lưới cào vào năm 2017, nhưng chưa sát sao trong việc thi hành nó. Bằng chứng là các tình nguyện viên của Sea Shepherd năm 2018 đã tìm thấy ít nhất 400 chiếc lưới được cài trộm.

Việc truy tìm và phá bỏ lưới cào cũng khiến các nhà bảo tồn gặp nguy hiểm, nếu chẳng may đụng mặt những kẻ đặt trộm lưới. Họ sẽ bị tấn công, thậm chí là mất mạng.

"Nếu chúng tôi ngừng lại, cá heo vaquita sẽ biến mất. Chúng tôi biết mình sẽ bị tấn công, biết rằng đang mạo hiểm mạng sống. Nhưng nếu không làm, vaquita sẽ chẳng có cơ hội tồn tại nữa" - trích lời Jack Hutton, một thành viên của Sea Shepherd.

Khổ nỗi, sự tuyệt chủng của vaquita không phải là vì con người muốn săn chúng. Vaquita chỉ là "nạn nhân bất đắc dĩ" thôi, vì đối tượng chính khi lắp đặt lưới cào là cá totoaba - một loài cá có giá trị cao và cũng đang rơi vào tình trạng nguy cấp.

"Chỉ còn một vài cá thể mang lại hi vọng cho vaquita" - Kate O'Connell từ Viện phúc lợi động vật chia sẻ. Cô cho biết khi khoa học lần đầu tiên cảnh báo về loài vật này, chúng vẫn còn hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cá thể bơi lội ngoài đại dương. Có nghĩa, các nỗ lực bảo tồn chúng những năm qua gần như vô hiệu.

Cập nhật: 26/09/2024 Theo Trí Thức Trẻ/ĐSPL
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video