Một số loài chim diều hâu và chim cắt ở Australia dường như cố ý làm đám cháy lan rộng để lùa mục tiêu săn mồi vào đích ngắm.
Nghiên cứu mới của một nhóm nhà khoa học quốc tế ghi chép nhiều quan sát của người bản xứ và người đến từ nơi khác về chiến thuật đốt lửa lùa con mồi ra khoảng đất trống để săn của chim diều hâu đen (Milvus migrans), diều hâu huýt sáo (Haliastur sphenurus)và cắt nâu (Falco berigora) ở vùng hoang mạc Australia, theo International Business Times. Nếu được xác nhận, phát hiện sẽ chứng minh con người không phải loài duy nhất biết sử dụng lửa cho nhu cầu riêng.
Chim diều hâu và chim cắt làm đám cháy lan rộng để dễ bề săn động vật nhỏ chạy ra. (Ảnh: Bob Bosford).
Dù các nhà nghiên cứu và người dân bản xứ đều biết rõ những loài chim săn mồi châm lửa, việc chúng có làm theo chủ đích hay không vẫn là chủ đề gây hoài nghi. Nhà điểu học Bob Gosford quyết định tìm hiểu sâu hơn về hành vi lạ này và báo cáo 20 trường hợp chứng kiến tận mắt trong nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Ethnobiology số tháng 12/2017.
Những nhân chứng cho biết chim săn mồi hành động đơn độc hoặc phối hợp với đồng loại, góp phần làm lan rộng đám cháy rừng xảy ra tự nhiên, vốn phổ biến ở khu vực khô cằn. Chúng thường quắp vật liệu đang cháy dở và thả xuống khoảng đồng cỏ chưa bị đám cháy lan đến.
Theo nhân chứng, chim săn mồi chờ ở gần đó cho đến khi trông thấy những động vật nhỏ tìm cách chạy khỏi đám cháy. Chúng sẽ sà xuống ngay lúc đó để giết chết con mồi. Chiến thuật này được người dân bản địa ở Northern Territory, Australia, biết đến rộng rãi và thể hiện lại trong các nghi thức.
Phát hiện mới có thể giúp nhà chức trách Australia tìm biện pháp phù hợp để xử lý đám cháy rừng, đồng thời lý giải tại sao một số đám cháy trong vùng lan nhanh bất ngờ từ nơi này sang nơi khác.