Khoảng 50.000 năm trước, một loài chim lớn ở Australia đã bị tuyệt chủng, do con người coi trứng của chúng là nguồn thức ăn rất ngon và bổ dưỡng.
Theo một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Nature Communications, chính con người đã "xóa sổ" loài chim khổng lồ có tên khoa học là Genyornis newtoni. Loài chim này không bay được do cánh kém phát triển. Chúng có hình dáng giống đà điểu nhưng thực tế có họ hàng gần với vịt, ngỗng và thiên nga.
Hình ảnh phục dựng loài chim Genyornis newtoni. (Nguồn: Nature Communications).
Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Colorado ở Boulder (Mỹ) phát hiện ra điều này sau khi nghiên cứu những mảnh vỏ trứng được tìm thấy ở 10 khu vực tại Australia. Họ phát hiện các mảnh vỏ trứng có dấu vết đã bị nướng cháy.
Các mảnh vỏ bị cháy đen đã được tìm thấy ở gần một số mảnh vỏ vỡ khác không bị đốt cháy chút nào, có nghĩa là những quả trứng này không phải đã bị cháy trong một vụ cháy rừng, vì cháy rừng sẽ đốt cháy toàn bộ các mảnh vỡ vỏ trứng.
Do đó, các nhà nghiên cứu cho biết: "những đặc điểm này là phù hợp nhất với khả năng con người đã thu nhặt các quả trứng từ một tổ chim, đốt một đám lửa và nướng trứng để ăn".
Các nhà nghiên cứu cho biết, mỗi quả trứng của loài chim này nặng tới 4kg, rất ngon, bổ dưỡng tương đương với hơn hai chục quả trứng gà, và cung cấp khoảng 2.000 calo năng lượng.
Nghiên cứu trước đây về loài chim này cho biết, khí hậu Australia vào thời điểm đó trở nên quá hanh khô, gây ra điều kiện sống bất lợi cho chúng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng chính hoạt động săn bắt của con người "nhiều khả năng là yếu tố quyết định" trong sự tuyệt chủng của loài chim Genyornis newtoni.