Các nhà nghiên cứu Argentina vừa thông báo đã tìm thấy hóa thạch của một con chim khổng lồ thời tiền sử với sải cánh lớn nhất từng được ghi nhận sống cách đây khoảng 50 triệu năm ở Nam Cực.
Trong nghiên cứu đăng trên Tạp chí Cổ Sinh vật học số ra ngày 18/5, các nhà khoa học cho biết con chim khổng lồ này thuộc loài pelagornithid, một họ chim biển khổng lồ đã tuyệt chủng, có răng dạng xương cứng.
Ảnh minh họa về loài chim khổng lồ pelagornithid. (Nguồn: livescience.com).
Giám đốc Bảo tàng Khoa học tự nhiên La Pampa, Marcos Cenizo cho biết đây là mẫu loài pelagornithid lớn nhất được tìm thấy.
Cánh chim của nó trải dài hơn 6,4 mét và hình dạng cánh cho phép chúng bay những quãng đường dài qua các vùng đại dương.
Tuy nhiên, mẫu vật mới được xác định trên lại khá nhẹ so với tầm vóc của nó, vào khoảng 30-35kg.
Mẫu vật của loài chim pelagornithid. (Nguồn: Wikipedia Commons).
Theo các chuyên gia nghiên cứu về Nam Cực, ở lục địa này từng tồn tại hai loài pelagornithid, trong đó một loài cao tới 5 mét và loài còn lại cao tới 7 mét.
Loài chim này có thể phát triển tới kích cỡ khổng lồ vào khoảng 50 triệu năm trước, khi nhiệt độ đại dương ấm và lượng thức ăn còn rất dồi dào.