Các nhà khoa học phát hiện một loài giun kỳ lạ dưới đáy biển có giới tính được quyết định bởi môi trường sống.
Khi lặn ở Địa Trung Hải, chúng ta có thể bắt gặp một loài giun kỳ lạ màu xanh lục giống như chiếc thìa với tên khoa học là Bonellia viridis. Chúng là sinh vật thuộc lớp Echiura. Các động vật thuộc lớp này rất khó thu thập và khó phân biệt, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều loài trong số chúng vẫn chưa được hiểu rõ, theo Earth Touch News.
Giun biển Bonellia viridis đang chuyển động dưới đáy biển. (Video: YouTube).
Những con giun Bonellia viridis màu xanh lục bắt đầu cuộc sống trôi nổi trong nước dưới dạng ấu trùng chưa phân hóa giới tính và không mang màu sắc. Giới tính của chúng sẽ phân hóa thành con đực hoặc con cái phụ thuộc vào nơi chúng sinh sống.
"Nếu ấu trùng Bonellia viridis đổ bộ xuống đáy biển, nó sẽ trở thành con cái và bắt đầu tiết ra độc tố gọi là bonellin", Andrew Thaler, nhà sinh thái học về biển sâu viết trên Southern Fried Science. Bonellin chịu trách nhiệm tạo ra màu xanh lá cây của con giun cái, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự tồn tại của các gene.
Thaler giải thích rằng, nếu một ấu trùng khác tiếp xúc với độc tố bonellin, nó sẽ biến đổi thành con đực và bị hút vào bên trong cơ thể của con cái thông qua vòi. Một khi vào bên trong cơ thể của con cái, con đực sẽ đảm nhận nhiệm vụ như một ngân hàng tinh trùng. Con cái giữ con đực trong túi sinh dục (genital sac) để thụ tinh theo nhu cầu.
Giun Bonellia viridis chuyên sống dưới đáy biển. (Ảnh: Quora).
Giun Bonellia viridis có cơ bắp phát triển tốt. Chúng có ba lớp cơ bao quanh một khoang cơ thể chứa đầy chất lỏng. Bằng cách co cơ theo mô hình giống như sóng, con giun chuyển chất lỏng bên trong cơ thể tới phần đầu. Khi chất lỏng phồng lên theo hướng con giun muốn di chuyển, các cơ giãn ra và co lại nhiều lần giúp con vật chuyển động.