Loài hoa biết giả mùi côn trùng chết để thu hút ruồi

Các nhà sinh vật học phát hiện một loài hoa chưa từng được biết đến ở Hy Lạp có chiến thuật thụ phấn "lừa đảo" độc nhất vô nhị.

Theo mô tả trên tạp chí Frontiers in Ecology and Evolution hôm 21/5, loài thực vật mới được đặt tên là Aristolochia microstoma đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa để phát triển hoa có mùi hôi giống như xác côn trùng thối rữa, nhằm thu hút một loài ruồi đặc biệt có tên khoa học là Megaselia scalaris, còn được gọi là ruồi quan tài, sinh vật chuyên đẻ trứng vào bên trong cơ thể côn trùng chết để đảm bảo ấu trùng nở ra có sẵn nguồn thức ăn dồi dào.


Mẫu vật Aristolochia microstoma được phát hiện ở Hy Lạp. (Ảnh: T. Rupp/B. Oelschlägel/K. Rabitsch).

Tuy nhiên, A. microstoma không phải là loài thực vật ăn thịt, thay vào đó, nó dụ những con ruồi cái tới vì mục đích thụ phấn.

"Khám phá của chúng tôi là trường hợp đầu tiên được biết đến về một loài hoa có khả năng đánh lừa các loài động vật thụ phấn thông qua việc bắt chước mùi xác chết của côn trùng", Giáo sư Stefan Dötterl từ Đại học Paris Lodron của Áo, tác giả chính của nghiên cứu, nhấn mạnh.

Trong tự nhiên, chỉ có 4 - 6% thực vật có thể giả mùi hương hoặc hình dạng của các loài khác để thu hút động vật thụ phấn, trong đó có nhiều thành viên thuộc chi Aristolochia (Nam mộc hương).

"Aristolochia là một nhóm thực vật lớn chứa hơn 550 loài trên khắp thế giới, phổ biến nhất là ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới", Giáo sư Christoph Neinhuis từ Vườn Bách thảo của Đại học Công nghệ Dresdencho của Đức, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết thêm.

Phân tích chi tiết hỗn hợp tạo mùi ở hoa A. microstoma cho thấy nó chứa 16 chất bay hơi, bao gồm một số phân tử chứa nitơ, lưu huỳnh, oligosulfide và đặc biệt là alkylpyrazine, hợp chất hiếm khi được tạo ra bởi thực vật có hoa. Các nhà khoa học cũng xác định được sự hiện diện của 2,5-dimethylpyrazine, chất tạo mùi thơm giống như gạo hoặc đậu phộng rang.

Các nghiên cứu trước đây gợi ý rằng A. microstoma được thụ phấn bởi côn trùng sống trên lá như kiến. Phát hiện mới cho thấy điều này không chính xác, thay vào đó, loài thụ phấn chính là ruồi quan tài Megaselia scalaris.

Cập nhật: 23/05/2021 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video