Con người phát hiện loài khỉ Bale từ đầu thế kỷ trước, nhưng trong suốt hơn 100 năm các nhà khoa học không biết chúng ăn gì để sống.
Một con khỉ Bale tại Ethiopia. Ảnh: BBC.
BBC cho biết, loài khỉ Bale (Chlorocebus djamdjamensis) được phát hiện vào năm 1902. Chúng chỉ sống trong các khu rừng thuộc vùng Bale Massif và Hagere Selam ở phía đông nam Ethiopia. Kể từ đó tới nay giới khoa học chưa tìm được nhiều thông tin về cuộc sống của chúng.
"Đối với các nhà khoa học thì khỉ Bale là đối tượng khó nghiên cứu vì chúng sống trong những khu rừng nằm trên địa hình núi non hiểm trở và nhiều sương", tiến sĩ Peter Fashing - một chuyên gia của Đại học California, Mỹ - giải thích.
Trong khoảng thời gian từ năm 2007 tới năm 2008 tiến sĩ Fashing và các nhà khoa học Ethiopia đã nghiên cứu hai nhóm khỉ Bale trong rừng Obobullu ở phía đông nam Ethiopia. Họ lặn lội trong rừng nhiều tháng để bám theo những con khỉ và ghi hình những hành vi của chúng.
"Ban đầu lũ khỉ tỏ ra sợ hãi khi nhìn thấy người, nhưng dần dần chúng tin tưởng tôi và để tôi quan sát chúng ở một khoảng cách nhất định", BBC dẫn lời tiến sĩ Addisu Mekonnen - một chuyên gia của Đại học Addis Ababa, Ethiopia.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy khỉ Bale ăn lá của 11 loài cây, nhưng lá tre chiếm tới 77% lượng thức ăn hàng ngày của chúng. Trong khi đó, phần lớn động vật linh trưởng ăn từ 50 tới hơn 100 loài cây và thức ăn của chúng giàu dưỡng chất hơn nhiều so với thức ăn của khỉ Bale.
Ngoài khỉ Bale, trên thế giới chỉ có một nhóm động vật linh trưởng duy nhất ăn lá tre. Đó là ba loài vượn cáo lá tre trên đảo Madagascar. Tỷ lệ lá tre trong thức ăn của cả ba loài đều chiếm tới 90%.
Các nhà khoa học cho rằng việc khỉ Bale phụ thuộc vào tre khiến chúng rất dễ bị tuyệt chủng, bởi những cây tre tại Ethiopia đang bị khai thác vì các mục đích thương mại.