Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố phát hiện một loài khủng long lông vũ nhỏ có đến bốn cánh giúp nó tối ưu khả năng chuyển hướng trên không, UPI cho biết hôm 6/11.
Khủng long mới phát hiện trên có kích cỡ bằng một con quạ, có tên dromaeosaur, là loài khủng long ăn thịt, săn mồi trong các khu rừng ở Trung Quốc cách nay 130 triệu năm.
Ban đầu, các nhà cổ sinh vật học không hiểu tại sao loài khủng long nhỏ như vậy với cơ thể được cấu tạo để chạy trên mặt đất lại được trang bị đến bốn cánh và có cái đuôi lông dài.
Loài khủng long dromaeosaur có bốn cánh - (Ảnh: Trường đại học Nam California)
Sau khi nghiên cứu, các nhà giải phẫu học cho rằng cấu tạo hình thể như trên cho phép nó trở thành "bậc thầy" của việc kiểm soát hướng bay trên không. Các cánh sau của dromaeosaur giúp nó dễ dàng đổi hướng với tốc độ cực cao.
"Trong phạm vi khí động lực học, các cánh sau sẽ giúp nó tăng tốc độ chuyển hướng lên từ 33 đến 50%, so với chỉ sử dụng hai cánh trước", nhà khoa học Michael Habib thuộc Trường đại học Nam California nói.
Theo các nhà khoa học, bất kỳ việc cải thiện tốc độ chuyển hướng nào cũng được xem là một lợi thế lớn trong thế giới ăn thịt lẫn nhau của các loài khủng long bay.
"Đây là một loài động vật có kích cỡ chỉ bằng một con quạ, sống giữa những loài khủng long săn mồi khác mà trong cùng thời gian đó có con khủng long bay lớn nhất với sải cánh lên đến 4,5 mét. Vì vậy việc tăng 33% tốc độ đổi hướng có nghĩa là tạo nên một sự khác biệt giữa sống và chết", nhà khoa học Justin Hall, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Los Angeles nói.
Phát hiện mới của Michael Habib và Justin Hall được trình bày trong hội nghị thường niên của Hiệp hội Cổ sinh vật học có xương sống tại Raleigh, Bắc Carolina, Mỹ.