Thế giới tự nhiên không thiếu những điều kỳ lạ, điển hình như một loài ký sinh trùng biển ở Nhật, bỗng dưng có ngoại hình giống hệt một miếng... sushi cá hồi.
Trong một bài đăng trên Twitter, các nhân viên thủy cung xác định sinh vật này thuộc một nhóm động vật giáp xác dài, dẹt, có nhiều lớp giáp, sống được cả trên đất liền và dưới biển.
Sinh vật kỳ lạ có tên khoa học isopod, là một trong những "cư dân" phổ biến, cư trú tại Aquamarine Fukushima - công viên thủy cung ở tỉnh Iwaki, Nhật Bản.
Chúng có khả năng thuộc Bộ chân đều, chi Rocinela, bao gồm khoảng hơn 40 loài trong tự nhiên. Hóa thạch của các loài trong bộ này được phát hiện từ kỷ Cacbon, tức hơn 300 triệu năm trước.
Trong khi nhiều loài giáp xác ăn thịt động vật chết hoặc thối rữa, thì những "miếng sushi" này có xu hướng sống ký sinh, bằng cách tạo ra những "ngôi nhà ấm cúng" trên lưng hoặc bên trong cơ quan nội tạng của các sinh vật biển khác.
Theo nguyên bản, loài này có màu sắc hơi xỉn và nâu. Để đạt được màu sắc độc đáo như hình trên, chúng dựa vào cơ chế thích nghi đặc biệt, cho phép thay đổi màu sắc dựa trên cơ thể của vật chủ.
"Bởi vì chúng là sinh vật ký sinh trùng, nên màu sắc nó dễ dàng thay đổi dựa trên loài cá mà nó đang bám vào", Mai Hibino - một quản lý tại Aquamarine Fukushima cho biết.
Ngoại hình và các đường vân của sinh vật này khiến chúng ta nghĩ ngay đến một miếng sushi.
Hiện vẫn chưa rõ được sự phân bổ của giống loài này trong tự nhiên, vì chúng rất khó để tìm thấy. Theo các tài liệu, môi trường sống của chúng thường ở rất sâu dưới đáy biển, thường là từ 800 - 1.200 mét.
Ngoài ra, chúng cũng có thể "cư trú" trên bất kỳ loài sinh vật biển nào, từ cá, tôm, rùa biển... Do đó, người ta càng không rõ rằng con isopod trong bài viết đã bám vào sinh vật nào để có được màu sắc độc đáo như vậy.