Loài nấm có hơn 23.000 giới tính để sinh sản

Nấm chân chim sở hữu rất nhiều giới tính khác nhau, giúp tăng tỷ lệ tìm được đối tượng sinh sản.

Loài nấm chân chim, tên khoa học là Schizophyllum commune, sinh sống chủ yếu một số nơi như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Madagascar, Nigeria, có đến hơn 23.000 giới tính khác nhau, Newsweek hôm qua đưa tin. Số lượng này nghe có vẻ đặc biệt nhiều với con người, nhưng thực ra không quá kỳ lạ ở nấm.

Về cơ bản, nấm có thể trao đổi bất cứ loại vật liệu di truyền nào nên khái niệm giới tính không cần thiết, Kathie Hodge, giáo sư tại Đại học Cornell giải thích. Chúng tạo mấu liên kết cho phép các nhân có thể di chuyển từ tế bào này sang tế bào khác.


Nấm chân chim (Schizophyllum commune) mọc trên gỗ. (Ảnh: Popular Science).

Hãy xem xét các kiểu giao phối thay vì số lượng giới tính, Hodge cho biết. Một loài vật có thể có hai kiểu giao phối, còn nấm chân chim có hàng nghìn kiểu. Điều kiện quan trọng nhất là phải ghép đôi với một cây nấm khác giới nếu muốn sinh sản. Khi đó, một trong hai cây nấm có thể "mang thai", tạo ra giao tử hay tế bào sinh sản.

Dù việc sở hữu quá nhiều giới tính nghe rất phức tạp, nhưng thực tế, điều này lại giúp nấm tăng tỷ lệ tìm được bạn tình phù hợp. Ví dụ, con người chỉ có thể sinh con khi ghép đôi với khoảng một nửa số người còn lại, nhưng nấm gần như ghép đôi được với bất cứ đối tượng nào vì giới tính của chúng khác nhau.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc ghép đôi ở nấm cũng dễ dàng mà có thể khá khó khăn, Hodge nhận xét. Mỗi gene giới tính có thể có nhiều biến dị, nghĩa là nấm phải tìm một bạn tình với mọi gene đều khác mình, theo BBC.

Việc sở hữu hàng nghìn giới tính còn mang lại một ưu điểm nữa, đó là nhiều tổ hợp gene sẽ giúp bảo vệ nấm trước những mối đe dọa như hạn hán hay các loài ký sinh.

Một nghiên cứu về giới tính nấm năm 2013 chỉ ra, một loại men gây nhiễm trùng não nghiêm trọng, Cryptococcus neoformans, có thể tự giao phối với các nhân bản của chính mình, theo Live Science.

Nấm không phải sinh vật duy nhất với giới tính phức tạp. Năm 2011, người ta phát hiện một con chim Cardinal vừa mang phần lông màu đỏ sáng của chim đực, vừa mang phần lông khác màu xám dịu của con cái. Các nhà sinh học sau đó xác định con chim mang cả hai giới tính đực và cái, gọi là gynandromorphism hay cá thể lưỡng tính, theo Live Science. Trường hợp này cũng xảy ra ở côn trùng, nhện và các loài chim khác.

Cập nhật: 08/11/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video