Hố đen tạo ra điều kiện cho sự sống hình thành nếu có một hành tinh quay quanh nó.
Khi nghĩ về một hố đen, đa số chúng ta không cho rằng sự sống có thể tồn tại xung quanh nó. Với một chân trời sự kiện mà ngay cả ánh sáng cũng không thoát ra nổi, một đĩa bồi tụ vật chất lên đến hàng triệu độ đầy bụi và khí, nó chắc chắn không phải một nơi lý tưởng để sinh sống.
Tuy nhiên, một nhóm các nhà nghiên cứu đang khẳng định điều ngược lại. Họ nói hố đen tạo ra điều kiện cho sự sống hình thành nếu có một hành tinh quay quanh nó như trong bộ phim "Interstellar". Mặc dù cho đến nay, chưa một lỗ đen nào được xác định có hành tinh quay quanh nhưng chúng ta hãy cùng xem xét giả thuyết thú vị này.
Một hành tinh quay quanh lỗ đen có thể là nơi hỗ trợ sự sống.
Nghiên cứu được đăng tải trên trang arXiv. Các tác giả giải thích sự sống chỉ có thể phát triển mạnh mẽ ở những nơi có "sự khác biệt nhiệt độ". Giống như trên Trái Đất, chúng ta nhận được điều kiện này từ sức nóng của Mặt Trời và phía kia là chân không cực lạnh. Một hành tinh nếu tồn tại quanh lỗ đen, mọi thứ sẽ ngược lại. Nó có một "mặt trời lạnh" và chân không cực nóng.
Khác với cái tên của mình, hầu kết các lỗ đen là vật thể sáng chói trong vũ trụ. Nó đốt cháy khí và vật chất tạo thành một đĩa bồi tụ. Tuy nhiên, nếu là một lỗ đen già, nó sẽ có nhiệt độ gần mức 0 tuyệt đối (-273,25oC) và hoạt động như một "mặt trời lạnh".
"Chúng ta cần đến một lỗ đen khá già. Môi trường xung quanh nó bao gồm đĩa bồi tụ đã được dọn sạch và không hút vào thêm gì nữa", Giáo sư Tomáš Opatrný, đến từ Đại học Palacký ở Olomouc, Cộng hòa Séc cho biết.
Nhiệt độ gần mức 0 tuyệt đối của hố đen được so sánh với phần còn lại của vũ trụ sau vụ nổ Big Bang. Bức xạ nền vũ trụ duy trì một "sức nóng" 2,7 K, tương đương -270oC. Mặc dù vậy, nếu một hành tinh cỡ Trái Đất quay quanh hố đen, nó đang trong chênh lệch nhiệt để sản xuất 900 W năng lượng hữu ích cho sự sống dạng nguyên thủy tồn tại.
Chưa dừng lại ở đó, nếu quay lại thời gian 15 triệu năm đầu sau vụ nổ Big Bang, bức xạ nền vũ trụ còn nóng hơn, cỡ 300 K (27oC). Nếu vậy, sự chênh lệch nhiệt của hố đen có thể sản sinh 130 GW năng lượng. Con số này chỉ bằng 1 phần triệu Mặt Trời cung cấp cho chúng ta, tuy nhiên, đủ để sự sống phức tạp hơn tồn tại.
Hành tinh "Miller Planet" và hố đen Gargantua trong bộ phim Interstellar.
Những giả thuyết cuối cùng đang đưa chúng ta trở lại kịch bản của bộ phim "Interstellar". Một hành tinh với biệt danh "Miller Planet", nơi Dr.Mann hạ cánh, đang quay quanh một hố đen hư cấu mang tên Gargantua. Khoảng cách quá gần hố đen khiến không thời gian giãn nở, một giờ trên hành tinh tương đương 7 năm trên Trái Đất.
Trong nghiên cứu mới, các tác giả cũng lưu ý rằng "Miller Planet", đúng như kịch bản phim, không thể hỗ trợ sự sống. "Tuy nhiên, nếu ở một quỹ đạo xa hơn từ tâm Gargantua, chúng ta có thể tìm thấy điều kiện sống thực sự".
Nói về chuyện đi tìm một hành tinh như vậy trong thực tế, các nhà nghiên cứu đều cho rằng hiện nay nó là điều không cần thiết. Chúng ta có nhiều hành tinh hỗ trợ sự sống quay quanh các ngôi sao. Mặc dù vậy, nếu ở một tương lai xa hơn nhiều, khi các ngôi sao đã đốt cháy hết vật chất, nơi cuối cùng còn lại mà loài người hay một sinh vật bậc cao có thể đến, chỉ có thể là xung quanh hố đen.