Loài ong cũng có tri giác như con người

Khi một con ong được cho ăn đường, tâm trạng của nó tốt hơn, giống như khi con người thưởng thức món ngọt. Ong còn có biểu hiện của chứng "rối loạn căng thẳng sau sang chấn".

Theo nghiên cứu của các nhà côn trùng học tại Mỹ, ong cũng biết vui buồn, sợ hãi, thậm chí là mắc bệnh tâm lý giống như con người.


Ong là loài có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái. (Ảnh: The Guardian).

Trong cuốn What a Bee Knows: Exploring the Thoughts, Memories and Personalities of Bees, tác giả Stephen Buchmann viết: “Những con ong có khả năng tự nhận thức, có tri giác và biết rút kinh nghiệm”.

Điều này giải thích cho hiện tượng “rối loạn sụp đổ bầy đàn” (colony collapse disorder), khiến toàn bộ tổ ong mật chết trong một mùa. Theo Buchmann, bên cạnh việc ngộ độc thuốc trừ sâu, các hoạt động tàn bạo của con người đã khiến loài ong bị tổn thương tâm lý và chết hàng loạt.

Buchmann đã nghiên cứu về ong và côn trùng trong hơn 40 năm. Thông qua cuốn sách của mình, ông hy vọng con người sẽ đối xử nhân đạo hơn với các loài côn trùng có ích như ong.


Số lượng ong mật đang suy giảm nghiêm trọng do các hoạt động tàn bạo của con người. (Ảnh: The Guardian).

Một nghiên cứu năm 2007 năm của Lars Chittka - giáo sư Đại học Queen Mary Anh - cho thấy ong có thể học được cách lẩn trốn kẻ thù như một phản ứng thích nghi.

Chittka đã giấu một con nhện robot sau những bông hoa. Khi có ong lại gần, con nhện sẽ tóm lấy, sau đó thả ra. Sau trải nghiệm tiêu cực đó, những con ong đã học được cách quan sát kỹ những bông hoa để đảm bảo chúng không có nhện trước khi hạ cánh.

Ngoài ra, sau nhiều lần bị tóm, những con ong không dám đậu xuống đám hoa dù trong đó không hề có nhện. Đây là biểu hiện của “Rối loạn căng thẳng sau sang chấn” – tình trạng thường chỉ gặp ở người và các loài động vật có vú nói chung.

Trong một nghiên cứu gần đây, nhóm của Chittka phát hiện não ong có khả năng tiết ra dopamine và serotonin - chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác dễ chịu thường thấy trong não bộ của con người.


Không chỉ học được cách lẩn trốn kẻ thù, ong còn cảm thấy "vui vẻ" khi được thưởng và sợ hãi khi gặp nguy hiểm. (Ảnh: The Guardian).

Theo Chittka, khi một con ong được cho ăn đường, tâm trạng của nó tốt hơn, giống như khi con người thưởng thức món ngọt. Tâm trạng được cải thiện khiến con ong đó hăng hái kiếm ăn hơn so với những con ong không được cho ăn. Ngoài ra, khi ong gặp phải nguy hiểm hoặc tình huống gây lo lắng, dopamine và serotonin sẽ giảm.

Buchmann đồng ý với phát hiện trên, ông cho rằng não ong có các trung tâm khoái cảm riêng.

Chittka và Buchmann nghi ngờ các loài côn trùng nói chung đều có tri giác, đặc biệt là các loài thụ phấn như ong, vì chúng đóng vai trò sinh thái quan trọng nên đòi hỏi một bộ óc tinh vi hơn.

Trước đó, các nhà khoa học cho rằng ong không hề có tri giác hay nhận thức, vì não của chúng quá nhỏ, chỉ cỡ hạt vừng và có rất ít dây thần kinh. Khoa học kỹ thuật phát triển, con người mới có đủ công cụ để phân tích sâu về những bộ não nhỏ bé này.

Cập nhật: 11/04/2023 Zing
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video