Được chụp từ 150 năm trước, loạt ảnh này là một trong những tài liệu quý giá nhất và chân thật về thời đại phong kiến lịch sử Trung Hoa.
Những bức ảnh dưới đây có giá trị lịch sử rất cao bởi vì chúng thuộc nhóm ảnh đầu tiên khi máy chụp ảnh vừa được du nhập vào Trung Hoa. Những bức ảnh này được chụp khoảng 150 năm trước, vào cuối thời kỳ trị vì của Hoàng đế Hàm Phong và đầu thời kỳ Từ Hi Thái hậu lên nắm quyền.
Một vị quan ở Quảng Châu chụp ảnh cùng vợ trong studio. Vì bổ tử ở phần áo trước ngực bị mờ nên không thể xác định là hình ảnh gì và cũng không thể xác định phẩm cấp của vị quan này. Vợ của ông được triều đình phong là cáo mệnh phu nhân. Bức ảnh được chụp vào khoảng năm 1981 - 1864.
Bổ tử (gọi tắt là bổ) cũng có thể được goi là "hung bối" hoặc "quan bổ", là một mảnh vải hình vuông hoặc tròn được đính trên ngực áo và lưng áo trên quan phục của các vị quan thời nhà Minh - Thanh. Phẩm cấp khác nhau sẽ sử dụng bổ tử có hoa văn khác nhau.
Dựa vào chuỗi hạt mà vị quan trong bức ảnh trên đang đeo trên cổ thì có thể suy ra, ông là quan văn ngũ phẩm trở lên. Quan văn ngũ phẩm và quan võ tứ phẩm trở xuống không thể sử dụng chuỗi hạt. Chuỗi hạt này được gọi là "Triều châu".
Một gia đình thường dân đông con. Ảnh chụp sau năm 1862.
Một lớp học ở Quảng Châu năm 1863.
Sau chiến tranh nha phiến lần thứ 2, ngày càng có nhiều nhiếp ảnh gia phương Tây mang máy chụp ảnh đến Trung Hoa chụp ảnh, chẳng hạn như Felice Beato, Milton Miller, William Sanders,... Những bức ảnh trong bài viết này đều do họ thực hiện.
Ủng thành, An Định Môn, nội thành Bắc Kinh vào những năm 1860. Ủng thành là bức thành nhỏ bên ngoài cổng thành. Bên trái Ủng thành là Thành lâu, bên phải là Tiễn lâu.
Ngọ Môn, Tử Cấm Thành năm 1860. Khi bức ảnh này được chụp, Hoàng đế Hàm Phong đã chạy trốn đến Nhiệt Hà (một tỉnh cũ ở Trung Quốc).
Bức ảnh Tử Cấm Thành được chụp từ Bạch Tháp Sơn năm 1860.
2 bức ảnh toàn cảnh Tử Cấm Thành và Ngọ Môn trên đây là những bức ảnh sớm nhất ghi lại toàn cảnh Tử Cấm Thành, có giá trị lịch sử quan trọng. Được biết, năm 2020 là kỷ niệm 600 năm hoàn thành xây dựng Tử Cấm Thành.
Hình ảnh Di Hòa Viên năm 1860. Đây là bức ảnh đầu tiên được chụp sau khi Di Hòa Viên bị thực dân Anh - Pháp cướp phá và phóng hỏa vào tháng 10/1860.
Bức ảnh chụp Chiêm Thế Sai và một người đàn ông phương Tây năm 1864. Chiêm Thế Sai lúc chụp ảnh đã 23 tuổi. Vì cao hơn 2m nên ông đã được một công ty nghệ thuật đưa đi biểu diễn khắp thế giới. Sau đó, ông định cư tại Anh và kết hôn với một phụ nữ địa phương.
Bức ảnh chụp một thầy bói năm 1868. Ông đã được nhiếp ảnh gia phương Tây mời vào studio để chụp bức ảnh này.
Một góc phố cổ ở Thượng Hải năm 1863.
Hai người ăn xin khoe "thành quả" sau khi bước ra từ một căn nhà. Một người tươi rói với "nụ cười thu hoạch" trên môi, còn người kia thì không có gì. Cả hai đều có khuôn mặt đen sạm, dáng người tiều tụy vì lang thang các hang cùng ngõ hẻm trong nhiều người để xin ăn. Vào những năm cuối Thanh triều, xã hội loạn lạc, dân chúng sống trong cảnh bần cùng, nhiều người tuyệt vọng tới mức phải đi ăn xin khắp nơi.
Trong cơn gió lạnh buốt, gương của bà mẹ cùng 2 đứa trẻ đượm buồn. Quần áo trên người cả ba vừa cũ vừa rách nát, nhiều năm chưa được giặt. Đặc biệt, chân của người mẹ và cô gái đều bó theo tục lệ bó chân của thời bấy giờ.
Hai người đàn ông trong ảnh đang cởi trần ngồi thưởng thức trà. Trên tay của họ là những chuỗi hạt cho thấy họ đều là người có tiền của. Những người đàn ông thời nhà Thanh đều cạo nửa đầu và tết tóc đuôi sam theo quy định tồn tại hàng trăm năm trong triều đại này.
Bức hình này được chụp trong sân nhà của một gia đình 5 người. Nhìn vào cách ăn vận của 3 đứa trẻ có thể thấy gia đình này rất giàu có. Trang phục của họ đều mới, sạch sẽ và lành lặn khác hẳn với 3 mẹ con ở ảnh trên. Như vậy, sự phân cấp giàu nghèo của người dân vẫn diễn ra rất mạnh mẽ.
Hai người đàn ông ăn mặc bảnh bao, một người thì đàn, người kia thổi sáo. Có vẻ họ đang rất thoải mái tận hưởng khoảng thời gian rảnh rỗi với sở thích của mình.
Một tù nhân bị đưa đi diễu phố trong một cái lồng gỗ vì tội lỗi đã gây ra. Nhưng nhìn vào bức ảnh, anh ta dường như không hề sợ hãi hình phạt này. Trái lại, người tù nhân này còn nhìn vào ống kính mỉm cười mặc cho đằng sau là biết bao con mắt đang chăm chú theo dõi hành động của mình.
Bức ảnh chụp một viên quan triều nhà Thanh và bên cạnh là một viên quan khác người nước ngoài. Viên quan nhà Thanh thì mặc áo lông, đội mũ gắn lông chim, đeo dây ngọc còn người kia đang mặc quân phục nhìn vào ông ta.
Một vị thiếu gia nhà quý tộc vừa bước ra cửa đã có người hầu cầm lồng chim đỡ anh ta lên xe kéo. Những người như vị thiếu gia này sinh ra đã ở "vạch đích", không phải lo cơm ăn áo mặc, được thừa hưởng gia sản do tổ tiên để lại. Nhưng, vào triều đại nhà Thanh, số lượng người như vị thiếu gia này quá nhiều, sau đó, vì không chịu làm ăn gì nên họ đã rơi vào tình cảnh bi đát khi chế độ phong kiến bị chấm dứt.
Một gia đình quan lại có cả chính thất và thê thiếp như chúng ta vẫn thường thấy trên các bộ phim cổ trang. Trên thực tế, vào thời nhà Thanh, những gia đình giàu có mới có thể có năm thê bảy thiếp, còn người nghèo rất khó kiếm được vợ.
Bức ảnh người phu xe chở hai người phụ nữ giàu có. Xe kéo hay xe đẩy được coi như "taxi" ở Thượng Hải vào những năm 70 của thế kỷ 19.
Bức ảnh 3 người phụ nữ phải đeo gông ở cổ. Đây là hình phạt dành cho những người mắc tội nhẹ vào cuối thời nhà Thanh. Bức ảnh được chụp vào khoảng năm 1880.
Một phiên xử án vào năm 1866. Bức ảnh cho thấy một cảnh xét xử vào cuối thời nhà Thanh.
Những người thợ cắt tóc trên một góc phố năm 1875. Vào thời nhà Thanh, người dân phải cạo nửa đầu và để tóc tết đuôi sam. Do đó, nghề cạo tóc trở nên phố biến.
Hải người đàn ông tay cầm ô và ngồi trên một chiếc xe đẩy. Người phu xe đẩy họ trên chiếc xe từ phía sau.
Những vị phu nhân trong gia đình giàu có cuối triều Thanh. Bức ảnh được chụp vào khoảng năm 1880. Những người phụ nữ trong ảnh đều có khuôn mặt phúc hậu. Ba người phụ nữ ngồi ghế mặc trang phục sang trọng và đeo trang sức.
Một vị phu nhân ở Thượng Hải. Bà có xuất thân từ một gia đình giàu có. Vị phu nhân này có đôi chân nhỏ do bó chân từ nhỏ. Bức ảnh được chụp vào khoảng những năm 70 của thế kỷ 19.
Người đàn ông cắt móng trên phố vào năm 1875. Đây là một dịch vụ phát triển vào cuối thời nhà Thanh, tương tự như cắt tóc. Trong ảnh, ông lão đang cẩn thận cắt tỉa móng chân cho một vị khách trẻ tuổi.
Bức ảnh phu xe một bên chở người, một bên buộc gia súc. Vào cuối thời nhà Thanh, xe kéo, xe đẩy rất phổ biến. Không chỉ chở người, phu xe còn chở cả hàng hóa, gia súc, nếu có khách hàng yêu cầu. Bức ảnh được chụp vào khoảng năm 1875.