Người ta sẵn sàng bỏ ra hơn chục triệu đồng chỉ để được sở hữu cặp răng nanh của “nàng” được đồn thổi có tác dụng ếm quỷ trừ tà... Lại có người sẵn sàng chi gấp 3 lần số tiền ấy nếu có được bộ “súng đạn” (dương vật) của “nàng” để ngâm rượu cải thiện “nội công”. Bất chấp nguy cơ tuyệt chủng toàn cầu, trước lợi nhuận hấp dẫn ấy, nhiều ngư dân ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang đã không từ bất kỳ phương thức đánh bắt, giết hại nào để đưa các “nàng tiên cá” vào rọ!
“Mỹ nữ” đang bị lạm sát
Thạc sĩ Nguyễn Xuân Niệm, điều phối viên Dự án bảo tồn san hô và cỏ biển tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hơn 3 năm trước, mặc dù UBND tỉnh đã có lệnh cấm săn bắt và sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những ai vi phạm nhưng nỗ lực đó vẫn không làm các sát thủ vùng biển tây nao núng”. Bất chấp pháp luật, bỏ ngoài tai “lời khẩn cầu” của loài thú biển to con nhưng lành như đất, mọi lúc, mọi nơi, lạnh lùng đến mức tàn nhẫn, với lưới chuyên dùng, thuốc nổ, lao, súng... khi phát hiện “mỹ nhân ngư”, không ít ngư dân đã chẳng từ thủ đoạn tàn độc nào để có quyền xẻ thịt nàng tiên của biển”.
Biết chúng tôi đi tìm hiểu về nạn “chảy máu” bò biển, Bình - một sát thủ “mỹ nữ đại dương” hiện đã gác kiếm - nhiệt tình cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Cũng từ sự nhiệt tình của Bình, chúng tôi đã ghi được cảnh một nhóm ngư dân đang xẻ thịt bò biển ngay tại khơi trường, máu loang đỏ một vùng rộng lớn. Tôi hỏi Hùng, người đã phóng 2 ngọn lao cắm sâu vào con bò biển tội nghiệp: “Thu được bao nhiêu tiền từ chiến lợi phẩm này?” thì chàng ngư phủ bộc bạch: “Đây là con đực nên thu nhập hơi bộn à nghen! Chỉ tính cặp ngà và bộ pín của nó, tui đã vô gần bốn chục triệu; còn thịt cứ từ 50.000 - 70.000 đồng một ký mà làm tới”.
Sau khi xẻ thịt, con bò biển bạc phận được các bà, các chị vốn là người thân của “sát thủ” bỏ vào cần xé rồi giao cho các nhà hàng đặc sản ở khu vực thị xã Hà Tiên. Tôi hỏi một phụ nữ lúc này đang chuẩn bị tập kết đặc sản tới quán ruột: “Sao không mang ra chợ bán để được nhiều tiền hơn?” thì nhận được câu trả lời: “Mang ra chợ cho bị phạt à? Bỏ mối cho quán vầy khỏe hơn, người ta mua cao giá cao, nhanh gọn. Có bao nhiêu, họ cũng sẵn sàng thầu hết”.
Lần theo hành trình hóa kiếp “nàng tiên cá”, tại một quán đặc sản đại dương, ngay khi chúng tôi vừa yên vị, ông chủ quán béo phục phịch đon đả chào hàng món danh bất hư truyền ở Kiên Giang mà không phải lúc nào có tiền cũng có thể nhâm nhi được. “Hai em dùng bò biển không?”. Tôi làm bộ ngạc nhiên: “Ngon không?” thì nghe ông chủ gân cổ: “Trời đất, trên cả tuyệt vời! Ngon chỉ là chuyện nhỏ, thằng này ăn vào đảm bảo tăng lực trăm phần trăm”... Chúng tôi đang phân vân thì có nhóm bốn ông khách tướng tá bệ vệ từ chiếc xe con bóng lộn bước xuống. Chủ quán cho chúng tôi suy nghĩ rồi tranh thủ mời khách: “Mới có bò biển”. Nghe nói thế, một trong bốn người khách mắt sáng rỡ: “Thiệt hả? Vậy bê lên ngay đi”. Nói xong, ông này lấy điện thoại gọi chiến hữu liên tục: “Ghé nghen, hôm nay có nàng tiên cá đó!”.
Chân dung "Tiên nữ đại dương"
Người có công đầu trong việc phát hiện bò biển là Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Tuấn, công tác tại Viện hải dương học Nha Trang. Năm 2001, trong một lần khảo sát san hô ở Côn Đảo, Tiến sĩ Tuấn đã phá hiện “nàng tiên cá” giữa lúc số phận của “nàng” đang bị đe dọa nghiêm trọng. Về đặc tính sinh học, “mỹ nữ đại dương” là loài trầm tĩnh, thường bơi lờ đờ dưới nước và chỉ ăn cỏ biển. Chúng bắt cặp đầu tiên vào độ 6-7 tuổi và duy trì nhịp độ yêu đương sau đó từ 2,5 - 5 năm. Tỷ lệ sinh sản của bò biển rất thấp, từ 3-7 năm mới sinh một lần với thời gian mang thai 13 tháng 10 ngày và chỉ đẻ 1 con. Không chỉ bị “chảy máu” ở Việt Nam mà tại các quốc gia trên thế giới, bò biển cũng lâm vào tình cảnh bi thương. Có mặt ở 37 quốc gia trên thế giới song số lượng bò biển đang suy giảm dần tại 20 nước. Tin từ Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế, chỉ tính riêng Ốt-xtrây-li-a, số lượng bò biển hiện chỉ bằng 3% so với những năm 1960 - một con số đáng báo động! |
Ngàn năm sau, hành tung bí mật của các nàng tiên cá đã được loài người khẳng định: chỉ là huyền thoại! Nếu nhìn ngắm dung nhan các “nàng”, hẳn nhiều người từng nghe chuyện mỹ nhân ngư sẽ hoàn toàn thất vọng bởi nàng tiên trong trí tưởng tượng của họ có “nhan sắc” vô cùng kinh dị với thân hình mập mạp, chiếc mõm nung núc thịt và đặc biệt là môi trên bẻ ra ngoài trông rất dị hợm. Khi các nàng “hát”, ai nấy đều không khỏi giật mình trước những âm thanh như tiếng khóc than ai oán nghe buồn đến nẫu ruột!
“Nàng tiên cá, mỹ nhân ngư, nữ thần biển...” qua nghiên cứu của các nhà sinh học là loại hải ngư có tên khoa học Trichechus manatus, thường gọi là “dugong” (hoặc bò biển). Điều an ủi cho những ai từng thần tượng các “mỹ nhân ngư” là hai vây trước của nó có hình dáng của những ngón tay nuột nà và đặc biệt là hai vú to bằng nắm tay ở vùng ngực. Theo lý giải của người đời, chính hình dáng này của bò biển đã khiến các thủy thủ lần đầu tiên thấy chúng nhô nửa mình lên mặt nước ở khoảng cách xa như thể đang bồng con cho bú đã trông gà hóa cuốc, tưởng đó là nàng tiên cá...
Những nỗ lực cứu nguy
Lúc trà dư tửu hậu, Bình tâm sự: “Cũng như các sát thủ bò biển vang bóng một thời như Tư Bạch, Ba Cu, Sáu Bình, Tám Toét, sở dĩ tui gác kiếm vì không chịu nổi ánh mắt tuyệt vọng, bi thương của các “nàng tiên cá” khi bị dính lưới. Tình mẫu tử của loài này sâu nặng lắm! Khi thấy mẹ dính lưới, bò biển con thường kêu gào thảm thiết. Con mẹ thương con chỉ biết ứa lệ... Tôi vì ám ảnh cảnh đó nên giải nghệ”.
Nhưng đâu phải sát thủ nào cũng xúc động trước tình mẫu tử của bò biển và gác kiếm như cựu sát thủ Bình, vùng biển Phú Quốc - Kiên Giang có hàng ngàn ngư dân và bất kỳ ai trong số họ cũng có thể trở thành sát thủ của loài bò biển một khi thấy chúng. Ma lực lợi nhuận từ bò biển quá lớn, bắt được một con thu nhập bằng cả mấy tháng trời lênh đênh trên biển với bao hiểm nguy nên nhiều ngư dân cho biết sẽ không dại gì từ chối cơ hội nếu một khi giáp mặt với “nàng tiên cá”.
Xẻ thịt bò biển |
Ngoài nỗi kinh hoàng bị loài người xẻ thịt, số lượng bò biển ở Phú Quốc còn bị đe dọa bởi hàng trăm mối nguy khác như vướng vào lưới đánh cá, bị tàu thuyền đi lại đụng vào, vấn đề ô nhiễm môi trường của biển và nhất là sự suy thoái của các thảm cỏ biển vốn là thức ăn duy nhất của bò biển... Trước số phận bi đát của các “mỹ nhân ngư”, song song với chương trình nghiên cứu bảo tồn bò biển do WWF tài trợ (từ tháng 7-2002) thì chính quyền tỉnh Kiên Giang cũng đã sớm ban hành Chỉ thị 20/2002/CT-UB ban hành ngày 21-11-2002 về quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm những trường hợp giết hại bò biển trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Đáng buồn là những nỗ lực cứu nguy này chẳng mang lại hiệu ứng tốt đẹp cho số phận hẩm hiu của các “nàng tiên cá”.
Một cán bộ của WWF cho biết: “Đã đến lúc toàn xã hội và các ngành chức năng cần phải có hành động kiên quyết trong việc cứu nguy cho bò biển. Mọi sự chậm trễ sẽ vô cùng tai hại, nhất là khi bò biển không còn xuất hiện tại vùng biển này nữa”.
Chúng ta hãy chờ đợi và hy vọng!