Sự cố máy tính Windows toàn cầu đã gợi lại ký ức về lỗi “màn hình xanh chết chóc" (BSOD), gây ám ảnh cho người dùng Windows trong nhiều thập kỷ.
Máy tính Windows trên toàn thế giới đang gặp sự cố. Hàng loạt thiết bị không thể khởi động mà thay vào đó lại hiển thị “màn hình xanh chết chóc” (Blue Screen of Death - BSOD). Quy mô ảnh hưởng tác động đến nhiều ngành quan trọng như ngân hàng, hàng không, viễn thông hôm 19/7.
Mặc dù bất tiện, đây lại chính là biện pháp an toàn để ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng hơn trong các sự cố và không bị hư hỏng dữ liệu trong máy. Ảnh: Alamy.
Các hãng hàng không như American Airlines gặp vấn đề khi đặt chỗ, làm thủ tục và các chức năng khác. Sự cố buộc hãng phải hạ cánh các chuyến bay và khiến hành khách bị mắc kẹt. Frontier Airlines cho rằng tình trạng gián đoạn là do "sự cố kỹ thuật của Microsoft", trong khi Allegiant tuyên bố rằng "trang web của họ hiện không khả dụng do sự cố Microsoft Azure”.
Trên thực tế, lỗi màn hình xanh này là do phần mềm Falcon Sensor của CrowdStrike gặp sự cố và đang lan rộng ở quy mô không thể lường trước được. Nhưng CrowdStrike là gì? "Màn hình xanh chết chóc" là gì? Nếu đang dùng máy tính Windows, bạn có nên lo lắng không?
Màn hình xanh chết chóc là gì?
Theo bài đăng trên blog chính thức của Microsoft, lỗi màn hình xanh xảy ra khi có sự cố nghiêm trọng, đến mức thiết bị không thể tiếp tục hoạt động bình thường. Lỗi này khiến Windows bị tắt hoặc khởi động lại ngay lập tức, nên dữ liệu chưa được lưu rất có thể sẽ bị mất.
Nếu máy tính chạy Windows 7 trở về trước, màn hình lỗi BSOD thường hiển thị đoạn mã kèm theo thông tin kỹ thuật, cung cấp manh mối về sự cố. Người dùng có thể tìm kiếm dòng mã bao gồm cả chữ và số này trên Internet để tìm cách sửa.
Tuy nhiên, với Windows 8 trở đi, Microsoft đã đơn giản hóa màn hình và hiển thị biểu tượng cảm xúc buồn cùng mã QR, để người dùng có thể quét, biết thêm thông tin về lỗi.
Mặc dù bất tiện, đây lại chính là biện pháp an toàn để ngăn ngừa thiệt hại nghiêm trọng hơn trong các sự cố và không bị hư hỏng dữ liệu trong máy. Khi hệ thống gặp phải lỗi BSOD, thiết bị sẽ dừng mọi hoạt động để ngăn chặn khả năng hư hỏng phần cứng và tạo tệp kết xuất bộ nhớ.
Tệp này chứa thông tin về trạng thái hệ thống tại thời điểm xảy ra sự cố và có thể được sử dụng để khắc phục lại sự cố. Sau khi kết xuất bộ nhớ được lưu, hệ thống cần được khởi động lại.
Sự cố màn hình xanh xuất hiện trên khắp thiết bị dùng dịch vụ của Microsoft. (Ảnh: Story Picture Agency).
Sau khi khởi động lại thiết bị, Windows sẽ bắt đầu quá trình khắc phục sự cố và sửa chữa tự động. Nếu hệ điều hành không thể giải quyết sự cố, hệ thống cần được sửa lỗi thủ công như khôi phục các bản cập nhật trình điều khiển gần đây, kiểm tra các bản cập nhật BIOS hoặc chạy chẩn đoán phần cứng.
Nguyên nhân đến từ một phần mềm chống virus
Theo Times Nows New, sự cố màn hình xanh chết chóc có thể do xung đột phần cứng hoặc phần mềm, tệp bị hỏng hoặc driver lỗi.
Nếu sự cố phát sinh từ vấn đề phần cứng như RAM bị trục trặc, ổ cứng lỗi, nguyên nhân có thể là vì hiện tượng quá nhiệt, máy bị tác động vật lý nên hư hỏng hoặc đơn giản là do linh kiện hết vòng đời.
Nếu quá trình cài đặt phần cứng mới gây lỗi, người dùng nên tắt PC, tháo phần cứng mới và thử khởi động lại. Nếu việc khởi động lại vẫn không hiệu quả, người dùng có thể thử khởi động PC ở chế độ an toàn.
Bên cạnh đó, máy tính cũng sẽ hiển thị màn hình xanh chết chóc khi driver không tương thích, gặp lỗi, tệp hệ thống bị hỏng hoặc xung đột giữa các phần mềm, khiến hệ thống bị quá tải. Những sự cố này thường xuất phát từ việc cài phần mềm mới, không tương thích hoàn toàn với hệ thống.
Các hãng bay liên tục dời chuyến, hạ cánh khẩn cấp vì lỗi BSOD. (Ảnh: ABC News).
Tuy nhiên, trong trường hợp sự cố hôm 19/7, công ty chống phần mềm độc hại Crowdstrike thừa nhận sự cố màn hình xanh trên Windows là do bản cập nhật của họ, tung ra cùng ngày. “PC của bạn gặp sự cố và cần khởi động lại. Chúng tôi chỉ đang thu thập một số thông tin lỗi, chúng tôi sẽ khởi động lại cho bạn”, là thông báo hiển thị trên màn hình xanh của tất cả người dùng Crowdstrike.
Tệp tin bị lỗi gây ra sự cố được cho là liên quan đến CrowdStrike Falcon Sensor, công cụ phân tích lưu lượng truy cập Internet đến và đi từ máy tính người dùng, nhằm kiểm tra dữ liệu độc hại.
“"Thủ phạm" trong những vụ việc này thường là bản cập nhật từ một ứng dụng. Bản cập nhật được cài đặt và gây ra lỗi lớn trong hệ điều hành và để lại màn hình xanh chết chóc,” Alan Woodward tại Đại học Surrey, Anh cho biết.
Phần mềm của CrowdStrike rất phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở Mỹ. Do đó, hàng loạt sự cố ngừng hoạt động đã diễn ra trên các nền tảng như Amazon Web Services, Microsoft 365, Azure, Instagram, eBay, Visa và AT&T.
Hiện tại không có cách khắc phục cụ thể cho lỗi này. Người dùng sẽ phải đợi một bản vá lỗi đi kèm với bản cập nhật mới của CrowdStrike và Microsoft. Công ty cho biết bộ phận kỹ thuật của họ đang nỗ lực giải quyết lỗi này.