Nhiều nhà khoa học đã tìm cách lý giải hiện tượng nhiều người có thể kể lại những chuyện tưởng như chỉ xảy ra trong kiếp trước.
Luân hồi chuyển kiếp dưới cái nhìn của các nhà khoa học
Thỉnh thoảng con người có cảm giác ngờ ngợ như từng ở một nơi mới đặt chân tới lần đầu, hoặc dường như "biết" về một sự vật dù chỉ vừa mới gặp. Các báo cáo về những trải nghiệm lạ lùng này được cho là biểu hiện của hiện tượng "déjà vu" hoặc đơn thuần chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, theo Acient Origins.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mà số lượng các trải nghiệm tương tự tăng lên gấp nhiều lần, tới mức một người khẳng định họ nhớ chính xác từng chi tiết về một người hoặc nơi chốn chưa hề viếng thăm trong đời, hay có thể nói thông thạo ngôn ngữ chưa từng học qua trước đây.
Sự kỳ bí của hiện tượng này đã thu hút mối quan tâm của nhiều nhà khoa học, với không ít nghiên cứu được tiến hành để tìm hiểu mức độ xác thực của những trường hợp đó. Song, vẫn còn những trường hợp trở thành thách thức với khoa học, để lại câu hỏi khiến các chuyên gia lúng túng: Liệu luân hồi có thực sự tồn tại trên thế giới hay không?
Minh họa về luân hồi chuyển kiếp, một ý niệm phức tạp hiện diện trong nhiều tôn giáo. (Ảnh: Himalayan Academy).
Định nghĩa luân hồi
Luân hồi không đồng nghĩa với hồi tưởng tìm lại tiền kiếp (PLR) hay ký ức về tiền kiếp, dù đây thường được xem là hai bằng chứng điển hình của luân hồi. Luân hồi cũng không nhất thiết là một niềm tin tôn giáo. Dù khái niệm này có liên quan tới nhiều tín ngưỡng, không có nghĩa một người tin vào luân hồi là người có tôn giáo hay ngược lại, người có tôn giáo chắc chắn tin rằng luân hồi là có thực.
Một định nghĩa đơn giản của luân hồi trong số rất nhiều khái niệm từng được đưa ra chính là sự đầu thai hay tái sinh của linh hồn vào một thân xác mới sau cái chết. Những người tin vào luân hồi xem thể xác và linh hồn là hai thực thể riêng biệt, trong đó chỉ có thân xác chết đi, còn linh hồn là bất diệt. Sau cái chết, linh hồn sẽ rời khỏi thân thể và tiếp tục hành trình của bánh xe luân hồi tới kiếp sống khác.
Trong một số tôn giáo, luân hồi có mối liên hệ mật thiết với nghiệp chướng, tức niềm tin cho rằng linh hồn sẽ thực hiện cuộc hành trình nơi mà quá khứ và hiện tại nối kết nhau dựa trên những lựa chọn mà con người đưa ra trong cuộc sống.
Không ít người bác bỏ hoàn toàn sự hiện hữu của luân hồi. Họ tin rằng mỗi người chỉ có duy nhất một cuộc đời, do đó, con người cần nỗ lực sống tốt nhất có thể. Những người theo trường phái này cũng quan niệm, khi chết đi con người cuối cùng sẽ tới được "nơi yên nghỉ", dù tốt, xấu hay trung lập.
Lịch sử từng ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ em bỗng dưng nhớ lại những ký ức trong cuộc đời được cho là kiếp trước của mình. Hiện tượng này thu hút nhiều nhà khoa học cất công làm sáng rõ những điều lạ thường bằng lý giải khoa học, trong đó có tiến sĩ Stevenson.
Tiến sĩ Stevenson, qua đời năm 2007, đã dành nhiều tâm sức tìm hiểu ký ức tiền kiếp ở trẻ em. Trong sự nghiệp của mình, Stevenson đã nghiên cứu hơn 2.500 trường hợp trẻ em kể chuyện kiếp trước. Trong số này, tiến sĩ khẳng định có tới 1.200 ca được chứng thực hoàn toàn khách quan.
Các ca nghiên cứu của tiến sĩ Stevenson chủ yếu tập trung ở những khu vực nơi dân cư duy trì niềm tin lớn vào luân hồi (như châu Á, Ấn Độ…). Sau 40 năm nghiên cứu, Stevenson xác định 7 đặc điểm thường gặp về ký ức tiền kiếp ở trẻ em, mà chính ông khẳng định chỉ là bằng chứng chứ chưa đủ để chứng minh bất cứ điều gì.
Đó là những đặc điểm: Đứa trẻ bắt đầu mô tả những hồi ức trong kiếp trước ngay khi có thể giao tiếp; đứa trẻ nhớ được những chi tiết về cái chết của mình trong kiếp trước; có đủ mô tả được đưa ra để xác định gia đình trong tiền kiếp; có sự tiếp nối trong đặc điểm tính cách, sở thích và thói quen sau khi đầu thai. 90% các trường hợp giới tính trong hai kiếp sống là không thay đổi; ngoại hình, đặc biệt là các đặc điểm trên khuôn mặt, có xu hướng giống nhau giữa thân xác của kiếp trước và kiếp này; luân hồi làm mới các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Câu chuyện tiền kiếp của Hanan Monsour/Suzanne Ghanem
Một trong những trường hợp trẻ em kể lại kiếp trước nổi tiếng nhất là câu chuyện của Hanan Monsour/Suzanne Ghanem. Vào giữa thập niên 30 của thế kỷ trước, Hanan chào đời tại Lebanon. Ở tuổi 20, cô kết hôn với người đàn ông tên Farouk Monsour, từ đó mang họ Monsour của chồng. Đôi vợ chồng có với nhau hai con gái tên là Leila và Galareh. Sau khi sinh Galareh, Hanah mắc bệnh tim và được khuyên không nên sinh thêm con. Tuy nhiên, phớt lờ cảnh báo của bác sĩ, Hanan tiếp tục sinh một cậu con trai năm 1962.
Chân dung Hanan Monsour và Suzanne Ghanem. Những người tin vào các đặc điểm về ký ức tiền kiếp ở trẻ em nhìn thấy nét tương đồng trên khuôn mặt giữa hai người phụ nữ. (Ảnh: IISIS).
Một năm sau, bệnh tình trở nặng, ở tuổi 36, cô tới bang Virginia, Mỹ, để phẫu thuật tim. Trước ca phẫu thuật quan trọng, Hanan cố gắng liên lạc với con gái Leila nhưng không thành. Di nguyện chia đôi số đồ trang sức cho hai con gái một khi cô không qua khỏi của Hanan không bao giờ được nhắn nhủ tới con gái Leila bởi Hanan đã qua đời sau phẫu thuật vì biến chứng.
10 ngày sau cái chết của Hanan, bé gái Suzanne Ghanem chào đời. 16 tháng tuổi, bé gái liên tục nhấc ống nghe điện thoại và lặp đi lặp lại câu nói: "Xin chào, Leila đấy à?" Hành động của cô con gái nhỏ khiến bố mẹ bé cảm thấy rất kỳ quặc vì gia đình không hề quen biết ai có tên Leila.
Lớn thêm một chút, bé gái Suzanne kể với cha mẹ Leila là con gái mình và cô bé không phải là Suzanne mà là Hanan. Tới khi tròn 2 tuổi, Suzanne càng khiến bố mẹ bất ngờ vì có thể đọc vanh vách tên 13 thành viên trong gia đình kiếp trước của mình.
Những biểu hiện lạ lùng liên tiếp của cô con gái khiến vợ chồng Ghanem bắt đầu tìm kiếm nhà Monsour. Lần đầu gặp mặt, gia đình Monsour tỏ ra nghi ngờ câu chuyện khó tin. Tuy nhiên tâm lý ngờ vực dần biến mất khi Suzanne gọi tên chính xác nhiều thành viên gia đình Hanan trong ảnh.
Lên 5 tuổi, Suzanne gọi cho người chồng trong tiền kiếp Farouk ít nhất ba lần một ngày. Khi tới thăm "chồng kiếp trước", Suzanne thích ngồi lên đùi và ngả đầu vào ngực Farouk. Người chồng cuối cùng cũng chấp nhận sự thực Suzanne chính là kiếp sống mới sau đầu thai của người vợ quá cố, sau khi anh được nghe chính Suzanne kể những chuyện chỉ có Hanan mới biết.
Thôi miên tìm lại kiếp trước (Past Life Regression-PLR)
Để hồi tưởng tìm lại kiếp trước, một người sẽ được đưa vào trạng thái thôi miên nhằm nhớ lại và sửa chữa những vấn đề trong quá khứ, hiện tại hoặc cố tìm kiếm mục đích cho sự đầu thai của mình. Người tham gia vào liệu pháp này được cho là sẽ thấy, trải nghiệm và cảm nhận được kiếp trước, với hành trình vượt thời gian theo dẫn dắt của các chuyên gia trị liệu.
Hình mô tả một buổi thực hiện thôi miên tìm lại kiếp trước của Richard Bergh năm 1887.( Ảnh: Wikimedia Commons).
Với những nét đặc trưng trong tâm trí, không có gì đáng ngạc nhiên khi thôi miên tìm lại kiếp trước thường phổ biến hơn ở người trưởng thành. Nhóm theo chủ nghĩa hoài nghi (bao gồm cả tiến sĩ Stevenson), tin rằng chuyện tiền kiếp thường khó để chứng thực ở người lớn hơn là trẻ nhỏ. Do đó, thôi miên tìm lại tiền kiếp ở người lớn có thể bị "sai lệch" do các ký ức được hình thành một cách vô thức hoặc cố ý trong đời sống, hoặc các ký ức "giả" do nhà trị liệu gieo vào đầu người bệnh vì mục đích tốt.
Dù vậy, theo khẳng định của nhiều người từng tham gia liệu pháp chữa trị đặc biệt này, hồi tưởng tìm lại tiền kiếp tỏ ra rất có ích cho cuộc sống hiện tại của họ về cả tâm lý và đời sống cá nhân. Vì liệu pháp này gồm những ghi chép về lời hứa, thất bại và thành công, chấn động tâm lý, trí tuệ cùng những đặc điểm sống cả tích cực lẫn tiêu cực, các nhà trị liệu giúp người tham gia tìm lại không chỉ ký ức mà cả những thói quen trong quá khứ, cũng như cách thức phá vỡ thói quen, tính cách xấu và khơi dậy sức mạnh nằm sâu trong mỗi người. Liệu pháp này được cho là có hiệu quả với những trường hợp bị chứng sợ hãi ám ảnh nặng nề.
Mức độ hữu ích của thôi miên tìm lại kiếp trước PLR so với những liệu pháp tâm lý khác vẫn còn nhiều nghi vấn. Giới khoa học vẫn phải tiếp tục hành trình chứng minh tính xác thực của những trải nghiệm mà mỗi người thuật lại trong trạng thái thôi miên.
Ký ức chấn động có thể để lại dấu vết trên gene
Trong một nghiên cứu khác có liên quan tới ký ức và những vòng đời khác nhau, các nhà khoa học cũng nghiên cứu khả năng ký ức có thể "di truyền" trực tiếp qua gene.
Trong nghiên cứu đăng trên Tập san Khoa học thần kinh tự nhiên năm 2013, các nhà khoa học huấn luyện các con chuột sợ một loại mùi hương nhất định bằng cách gây sốc cho chuột khi mùi hương xuất hiện.
Kết quả cho thấy, lứa chuột thế hệ tiếp theo biểu hiện ác cảm với mùi hương đó mà không cần tác nhân kích thích nào. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những thay đổi trong cấu trúc não của chúng. Bên cạnh đó, họ còn tìm thấy mối tương quan giữa chấn thương trong ký ức với ADN trong tinh trùng của chuột.
Hiện tượng nhớ lại những ký ức tiền kiếp là một trong những chủ đề đầy thu hút, khơi dậy sự tò mò của rất nhiều người mà tới nay ánh sáng khoa học vẫn chưa thể làm sáng rõ. Dù vậy, cũng giống như các nhiều hiện tượng vượt qua biên giới giữa tâm linh và khoa học, hiện tượng luân hồi không nhất thiết phải được chứng minh hay bác bỏ hoàn toàn. Luân hồi và những ký ức về nhiều kiếp sống là một lĩnh vực còn nhiều khoảng mở cần được khoa học giải mã.