Lươn nhớt tiến hóa khả năng sử dụng chất nhầy như cơ chế tự vệ làm nghẽn mang của động vật ăn thịt trong chưa đầy một giây.
Lươn nhớt (Myxinidae) là động vật nhầy nhụa nhất hành tinh. Dịch nhầy do chúng tiết ra có thể kéo giãn gấp 10.000 lần trong 0,4 giây. Cơ chế tự vệ này rất hiệu quả trong việc ngăn chặn động vật ăn thịt như cá mập theo IFL Science.
Chất nhầy do lươn nhớt tiết ra khi ngư dân bắt chúng lên khỏi mặt nước. (Ảnh: Flickr).
Chất nhầy của lươn nhớt hình thành khi nước biển tiếp xúc với hai nguyên liệu khác nhau do tuyến nhầy của chúng tiết ra, bao gồm những túi nhầy có thể phình lên nhanh chóng và vỡ ra trong nước, hình thành mạng lưới sợi dính nhớp. Đó là loại sợi mang tên sợi trung gian (IF). Sợi IF chỉ rộng 12 nanomet nhưng dài tới 15cm. Chúng được sắp xếp theo từng bó giống sợi len gọi là sợi cuộn.
Để khám phá bí ẩn về chất nhầy của lươn nhớt, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Illinois xem xét cách tế bào sợi hoạt động khi tiếp xúc với nước biển trong một bài báo công bố năm 2019. Họ nhận thấy sợi cuộn bắt đầu sổ ra trong khoảng thời gian động vật săn mồi tấn công (100 - 400 mili giây). Thời gian này có thể nhanh hơn nếu sợi cuộn gắn vào bề mặt như miệng của động vật săn mồi.
Sợi cuộn có thể mở rộng gấp 10.000 lần kích thước ban đầu, tạo ra mạng lưới sợi mà túi nhầy có thể kết nối để tạo ra một khối chất dính khó đối phó. Việc tiếp xúc với nước biển thúc đẩy quá trình biến đổi bởi nước biển làm tan rã keo protein cố định cuộn sợi, giải phóng năng lượng đàn hồi lưu trữ.
Lươn nhớt là con mồi khó nhằn đối với động vật ăn thịt nhưng đôi khi chúng cũng có thể gây rắc rối cho con người. Năm 2017, một người phụ nữ lái xe tải chở 3.400kg lươn nhớt. Cảnh sát giao thông ra hiệu cho tài xế dừng xe, nhưng việc phanh gấp khiến thùng chứa lươn nhớt đổ ra đường. Cơ chế tự vệ của lươn nhớt được kích hoạt, tạo thành đống chất nhầy dịch bao phủ mặt đường.