Lý do gần 200 mảnh đá sao Hỏa rơi xuống Trái đất

Các nhà nghiên cứu phát hiện ngay cả va chạm nhẹ giữa tiểu hành tinh và sao Hỏa cũng có thể đẩy đá bắn vào không gian và bay tới Trái đất.

Trong một nghiên cứu đột phá, các nhà khoa học ở Viện Công nghệ California (Caltech) và Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) phát hiện hành trình của những thiên thạch sao Hỏa tới Trái đất. Thông qua kiểm tra giả định phổ biến và tiến hành mô phỏng phức tạp trong phòng thí nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện lực cần thiết để đẩy đá sao Hỏa vào không gian thấp hơn dự đoán trước đây. Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu lịch sử địa chất của hành tinh đỏ và sự dồi dào của thiên thạch sao Hỏa trên Trái đất.


Giới nghiên cứu đã ghi nhận 188 thiên thạch rơi xuống Trái đất có nguồn gốc từ sao Hỏa. (Ảnh: iStock)

Trong hàng nghìn thiên thạch đã tìm thấy trên Trái đất, có khoảng 188 thiên thạch được xác nhận đến từ sao Hỏa. Trong lịch sử dữ dội của Hệ Mặt trời, tiểu hành tinh đâm vào sao Hỏa với lực mạnh đến mức mảnh vỡ bắn vào không gian và trôi dạt qua vũ trụ, cuối cùng rơi qua khí quyển Trái đất và vượt qua hành trình tới mặt đất. Giới thiên văn học từng cho rằng đó là quá trình phức tạp, nhưng chỉ những vụ va chạm mạnh nhất mới có thể làm đá từ sao Hỏa bắn vào không gian. Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố hôm 3/5 trên tạp chí Science Advance chỉ ra lực va chạm cần thiết nhỏ hơn nhiều, nghĩa là có thể tồn tại nhiều mảnh vỡ sao Hỏa trôi dạt trong vũ trụ và bay tới Trái đất hơn.

Để khám phá bí ẩn xung quanh thiên thạch sao Hỏa, các nhà khoa học sử dụng mô phỏng cao cấp trong phòng thí nghiệm để dựng lại điều kiện những vụ va chạm. Bằng cách để khối đá chứa plagioclase, một khoáng chất sao Hỏa phổ biến, tiếp xúc với áp suất mạnh tạo bởi súng nổ, nhóm nghiên cứu có thể quan sát và phân tích thay đổi xảy ra trong quá trình

Thông qua mô phỏng trong phòng thí nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện lực cần thiết để bắn đá sao Hỏa vào không gian thấp hơn đáng kể so với suy đoán ban đầu. Thí nghiệm trước đó chỉ ra plagioclase biến đổi thành hợp chất giống thủy tinh mang tên maskelynite ở áp suất 30 gigapascal (GPa). Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy biến đổi xảy ra ở mức khoảng 20 GPa, thách thức hiểu biết về động lực phóng.

Theo kết quả nghiên cứu, ngay cả va chạm vừa phải trên sao Hỏa cũng có thể khiến đá bắn vào không gian, tăng tỷ lệ thiên thạch sao Hỏa bay tới Trái đất. Điều này mở ra nhiều khả năng thú vị giúp phát hiện nhiều thiên thạch sao Hỏa hơn và thu thập dữ liệu quý giá về hoạt động địa chất trên hành tinh đỏ.

Phát hiện của nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với việc tìm hiểu lịch sử địa chất của sao Hỏa. Thiên thạch mang lại thông tin độc đáo về quá khứ của sao Hỏa như quá trình hình thành, hoạt động núi lửa và khả năng hỗ trợ sự sống. Thông qua xác định đặc điểm những lực tác động tới đá sao Hỏa, các nhà khoa học có thể điều chỉnh nghiên cứu về thiên thạch và tìm ra miệng hố va chạm nơi chúng ra đời trên sao Hỏa.

Cập nhật: 08/05/2023 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video