Nếu bạn là người đam mê đi và khám phá thế giới, điều đó không đơn giản chỉ là sở thích, mà còn có nguyên nhân sâu xa về sinh học.
Các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa sự dư thừa của chất dopamine trong não và xu hướng tham gia vào các hành vi bốc đồng và nguy hiểm.
Chất dopamine dư thừa còn liên quan tới một biến thể của gene DRD4, loại này mã hóa một loại thụ thể dopamine có tên gọi 7R+ allele. Biến đổi gien này gắn liền với các hành vi như cờ bạc và nghiện ngập, và nhẹ nhàng hơn là ham muốn du lịch.
Gene DRD4 ảnh hưởng đến đam mê du lịch. (Ảnh: Getty).
Justin Garcia, một nhà sinh học ngành tiến hóa ở Đại học Indiana (Mỹ) cho biết, gene DRD4 và sự dư thừa dopamine khiến con người thời tiền sử rời nhà đi khám phá các vùng đất mới với hy vọng tìm được thức ăn, bạn tình và nơi trú ẩn. Mặc dù các nhu cầu sinh tồn này không còn như trước, biến đổi gene đã trở thành sự đam mê du lịch như ngày nay.
Ngoài ra, sự kết hợp của tự nhiên và nuôi dưỡng là câu trả lời cho hầu hết các vấn đề khoa học. Garcia cho rằng, gene DRD4 lý giải tại sao một số người thấy du lịch thú vị, còn số khác lại thấy sợ.
Koji Lum, nhà nhân chủng học tại Đại học Binghamton (New York, Mỹ) giải thích: "DRD4 chỉ là một gene, nên có ảnh hưởng nhỏ đến hành vi phức tạp. Tuy nhiên, những sự khác biệt nhỏ bé này cộng dồn lại.
Ở một mức độ nhất định, đánh giá mức độ rủi ro là một thuật toán diễn ra trong đầu mỗi người. Các biến thể gene khác nhau nghĩa là thuật toán diễn ra ở các mức độ khác nhau. Điều này quyết định liệu họ có chấp nhận rủi ro hay không. Theo thời gian, một sự khác biệt nhỏ trong thuật toán dẫn tới những cuộc đời rất khác nhau".
Vì thế, nếu mọi người coi bạn là người "cuồng" đi để khám phá thế giới, hãy tin rằng điều đó có cơ sở sinh học.