Ắt hẳn vào mùa lạnh, chúng ta thường hay bị chảy nước mũi mặc dù không muốn điều đó vì cảnh "thò lò mũi xanh" chẳng phải là điều ưa nhìn cho lắm. Nhưng tại sao chúng ta lại gặp hiện tượng này cứ mỗi mùa đông về? Bài viết sẽ cung cấp cho bạn những giải thích thú vị về một trong những phản xạ tự nhiên của cơ thể.
Theo ScienceAlert, có khoảng 50-90% người bị sổ mũi khi trời lạnh. Phản ứng tự nhiên này có thể coi là một triệu chứng báo hiệu bạn bị cảm lạnh hoặc cơ thể đang cần sưởi ấm. Với những người mắc bệnh hen suyễn, chàm hay cảm cúm, thậm chí có thể gặp tình trạng này thường xuyên hơn so với người bình thường.
Nhiệm vụ của mũi là làm ấm và tưới ẩm cho luồng không khí bạn hít thở vào cứ mỗi giây. Sở dĩ phải làm ấm và ẩm luồng không khí bởi chúng sẽ hạn chế việc kích thích các tế bào trong phổi. Khi phải hít thở lúc trời lạnh, mũi có thể làm ấm luồng khí lên tới 26 độ C hoặc cao hơn tới 30 độ C.
Có khoảng 50-90% người bị sổ mũi khi trời lạnh.
Độ ẩm không khí sau khi đi vào khoang mũi thường khoảng 100%, bất kể không khí có lạnh đến đâu. Điều này cho thấy, mũi luôn làm việc rất hiệu quả trong bất cứ trường hợp nào để tạo ra chất lượng không khí tốt nhất trước khi đến phổi.
Nhưng tại sao mũi lại tiết dịch (nước mũi) mỗi khi trời trở lạnh?
Khi trời trở lạnh, không khí thường trở nên khô hanh và có độ ẩm rất thấp, thường chỉ khoảng 40-50%. Luồng không khí này sẽ gây kích thích tới các dây thần kinh bên trong mũi. Và mũi buộc phải gửi một tín hiệu tới não thông qua dây thần kinh để tăng cường độ ẩm cho khoang mũi.
Sau khi nhận lệnh, não sẽ truyền tín hiệu để tăng cường lưu lượng máu tới mũi, giúp các mạch máu quanh mũi giãn nở và làm ấm không khí đi qua.
Bạn có thể mất tới 300-400 mlnước mũi hàng ngày mỗi khi cơ chế bảo vệ khoang mũi trên được kích hoạt.
Bên cạnh đó, mũi cũng được lệnh phải sản sinh ra thêm nhiều chất dịch (thông qua tuyến nước bọt) để cung cấp thêm độ ẩm cho không khí đi qua. Không khí lạnh và khô cũng kích thích tế bào hệ thống miễn dịch (tế bào mast) trong mũi. Khi bị kích thích, tế bào sẽ sản sinh ra các chất dịch lỏng trong mũi hay còn gọi là nước mũi để làm ẩm không khí.
Ước tính, bạn có thể mất tới 300-400ml nước mũi hàng ngày mỗi khi cơ chế bảo vệ khoang mũi trên được kích hoạt.
Làm cách nào để kiểm soát khi nước mũi chảy ra liên tục?
Nhiệt lượng và tình trạng mất nước có mối liên hệ rất mật thiết. Việc làm nóng không khí trong khoang mũi có nghĩa, lớp niêm mạc sẽ trở nên mát hơn so với nhiệt độ cơ thể.
Trong lúc này, quá trình bốc hơi nước trong khoang mũi giúp làm ẩm không khí hít thở cũng xảy ra. Nhưng quá trình bốc hơi nước này đòi hỏi một lượng nhiệt lớn từ mũi.
Các mạch máu quanh khoang mũi đóng vai trò như "máy sưởi" sẽ chảy nhanh hơn để đưa máu dồn về khoang mũi, sưởi ấm cho bộ phận này.
Một chiếc khăn tay hay dầu gió sẽ có tác dụng rất hiệu quả với hiện tượng chảy nước mũi.
Phản ứng này không có gì lạ khi nhiệm vụ sưởi ấm không khí đi vào cơ thể quan trọng hơn rất nhiều tình trạng mất nhiệt trên mũi (phản ứng bình thường của cơ thể khi trời lạnh đó là chuyển máu từ bề mặt da xuống các mạch máu sâu hơn để giảm thiểu tình trạng mất nhiệt trên da).
Dù vậy, rõ ràng cả hai nhiệm vụ này khó có thể đạt được trạng thái cân bằng giữa lượng nhiệt và độ ẩm mất đi từ mũi.
Khi cơ chế bù đắp lượng ẩm của mũi hoạt động quá đà, độ ẩm vượt quá mức cần thiết để làm ẩm không khí lạnh, lúc này bạn sẽ thấy tình trạng nước mũi chảy ra không thể kiểm soát. Phản ứng tạm thời cần làm là hỉ mũi để tống lượng chất dịch quá lớn, gây bít tắc đường thở.
Các tế bào mast (dưỡng bào) thường nhạy cảm hơn với những người mắc chứng hen suyễn, dị ứng, đặc biệt nhạy cảm với kích ứng của môi trường và thay đổi nhiệt độ. Bởi vậy, bạn sẽ thấy tình trạng trên xảy ra với họ thường xuyên hơn.
Nghẹt mũi hoặc thậm chí hắt xì hơi có thể coi là những triệu chứng dễ thấy nhất cho việc không khí lạnh đang tấn công hệ hô hấp của bạn. Trong những trường hợp như vậy, một chiếc khăn tay hay dầu gió sẽ có tác dụng rất hiệu quả với hiện tượng chảy nước mũi.
Luôn giữ ấm cho mũi khi đi ra ngoài trời lạnh vì đây là bộ phận dễ bị tiếp xúc với không khí lạnh.
Tuy nhiên cách tốt nhất để tránh bị chảy nước mũi là hãy cố gắng giữ nhiệt cho mũi của bạn. Nếu không cần thiết ra ngoài trời lạnh thì bạn cũng đỡ lo phần nào việc chảy nước mũi. Bên cạnh đó, bạn có thể đặt một chiếc máy phun ẩm trong nhà khi thời tiết quá hanh khô.
Thử dùng một số loại thuốc xịt giữ ẩm cho khoang mũi trước khi đi ra ngoài.
Nhưng nếu buộc phải ra ngoài, hãy nhớ đeo khẩu trang, khăn quàng giữ ấm, sử dụng các loại thuốc xịt giữ ẩm cho mũi hoặc thử sát ngay một chút dầu nóng ở hai bên cánh mũi để giữ nhiệt và tránh mũi bị kích ứng vì không khí lạnh.
Hy vọng những giải thích trên đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết về một trong những cơ chế bình thường của cơ thể.