Không bật nhiệt độ quá cao, không bật tắt đột ngột và không nên dùng máy sưởi cả ngày để tránh ngột ngạt, khó thở hoặc rò điện, bỏng.
Vào mùa đông, người dân có nhu cầu sử dụng thiết bị như quạt sưởi, túi chườm, máy sưởi để giữ ấm. Để tránh bị bí, khó thở, ngột ngạt hoặc cháy, rò điện, bỏng, chuyên gia khuyến cáo:
Không đặt nhiệt độ quá cao
Bác sĩ Nguyễn Thái Ngọc Minh, Khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác (Hà Nội), cho biết khi thời tiết quá lạnh, nhiều người có thói quen đặt nhiệt độ ở mức cao nhất để làm ấm nhanh, khiến không khí xung quanh bị thiếu ẩm. Việc bật quạt sưởi công suất cao cũng sẽ khiến người từ ngoài trời lạnh vào nhà dễ bị "sốc nhiệt".
Người dùng nên đặt mức nhiệt độ từ 25 đến 30 độ C. Bạn nên sử dụng thêm các thiết bị tạo độ ẩm hoặc đặt một thau nước trong phòng để không khí không bị khô.
Không nên để quạt sưởi quá gần người, nếu bị đổ có thể gây bỏng hoặc cháy.
Không để quạt, máy sưởi quá gần người
Quạt sưởi tỏa nhiệt rất mạnh, có thể gây khô da, khó thở, nếu bị đổ có thể gây bỏng hoặc cháy nổ. Máy sưởi, quạt sưởi thường gây ra cảm giác bí, khó thở bởi nó ảnh hưởng tới việc lưu thông khí oxy trong phòng, nhất là khi các cánh cửa đã bị đóng kín. Tùy vào diện tích phòng và kích thước máy để đặt máy phù hợp, tránh để trẻ nhỏ và người lớn tuổi tiếp xúc gần.
Trong phòng tắm, bố mẹ có thể sử dụng đèn sưởi hồng ngoại hoặc dùng điều hòa hai chiều thay vì sử dụng các thiết bị khác như quạt sưởi, máy sưởi.
Đặt máy ở nơi chắc chắn, an toàn
Khi đặt quạt, máy sưởi phải để ở nơi vững chắc, đảm bảo an toàn, không hở điện. Không nên đặt gần giường ngủ, tránh đặt gần các thiết bị dễ cháy như màn, rèm, đồ nội thất.
Không tăng nhiệt độ đột ngột
Bố mẹ không nên bật tắt máy đột ngột, vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa gây hại cho máy. Người dùng nên tăng nhiệt độ từ từ và giảm từ từ nếu chuẩn bị tắt giúp cơ thể thích nghi với nhiệt độ trong phòng.
Không dùng quạt cả ngày
Bác sĩ không nên sử dụng quạt sưởi liên tục, chỉ nên dùng từ hai đến hai đến ba tiếng, sau đó ngưng khoảng 30 phút rồi bật lại. Trong thời gian này, người dùng có thể mở hé cửa sổ để giúp thoáng khí, tránh cảm giác bí, khó thở.
Trường hợp không may bị bỏng nhiệt, bác sĩ Minh khuyên gia đình cần thực hiện các bước:
Đầu tiên, bạn nên kiểm tra ý thức và hô hấp của người bị bỏng. Loại bỏ tác nhân gây bỏng như chăn đệm, quần áo bị cháy.
Tiếp đó, hạ nhiệt vết thương, thời gian khoảng 20 phút từ khi bị bỏng và nhiệt độ là 20 độ C. Chúng ta nên ngâm hoặc để vết thương dưới vòi nước sạch.
Sau đó, bạn che phủ nhẹ nhàng vết thương bằng băng gạc sạch, tránh gây trầy xước, trợt vết bỏng, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Cuối cùng, gia đình cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, tốt nhất là các cơ sở có chuyên khoa bỏng để tiếp tục cấp cứu.