Mã Hóa Đằng và “văn hóa QQ” ở Trung Quốc

Sự ra đời công cụ chat bằng tiếng Hoa với logo chim cánh cụt đã làm thay đổi thói quen liên lạc của người dân Trung Quốc (TQ), bắt đầu một thời kỳ “văn hóa QQ” của TQ, theo nhận định của báo giới Bắc Kinh.

QQ trở thành công cụ liên lạc không thể thiếu của người dân TQ. Thậm chí những học sinh phổ thông có thể không dùng di động, nhưng nhất định không thể thiếu QQ, khi chia tay bạn bè họ không nói “phone mình nhé” mà họ sẽ bảo là “Q mình nhé”. Đó không đơn thuần là công cụ liên lạc mà trở thành một công cụ giải trí mới của người dân TQ.

Từ khắc tinh của virus...

Mã Hóa Đằng - Ảnh: New York Times

Cha đẻ của QQ là một chàng trai 36 tuổi, khi nhắn tin cho bạn bè hay đồng nghiệp, trên màn hình QQ là một khuôn mặt với mái tóc dựng đứng, quần bò đúng điệu và một cặp kính râm. Ngoài đời Mã Hóa Đằng trông rất thư sinh, có quá trình khởi nghiệp giống với hai người đồng sáng lập Công ty Google là Sergey Brin và Larry Page. Mã tốt nghiệp chuyên ngành máy tính tại Trường đại học Thâm Quyến vào năm 1993.

Khi còn là sinh viên, Mã được mệnh danh là “khắc tinh của các loại virus” và thường xuyên chơi trò khóa một số phần mềm trong máy tính. Ngay từ thời sinh viên anh đã đầu tư 50.000 NDT để làm người đại diện website Huiduo ở Thâm Quyến và giành được nhiều món lợi. Ít ai biết rằng người đại diện lúc ấy chỉ mới hơn 20 tuổi. Sau khi kiếm được một món tiền kha khá nhờ chơi cổ phiếu, Mã cùng một người bạn sáng lập Công ty Tencent cung cấp phần mềm thông tin trực tuyến đầu tiên của TQ - phần mềm ICQ phiên bản tiếng Hoa (tiền thân của QQ).

Tháng 2-1999, công ty cho ra đời phần mềm QQ, nhanh chóng được cư dân mạng đón nhận. Đến năm 2004, Tencent bắt đầu có lãi, thu nhập hơn 130 triệu USD, cổ phiếu được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong, có vốn đầu tư là 184 triệu USD. Tencent bắt đầu cuộc cạnh tranh quyết liệt trong thế giới ảo. Sina, sohu, wangyi, baidu, các nhà cung cấp dịch vụ ảo khác của TQ, tăng tốc đuổi theo.

Ngay cả MySpace của Mỹ cũng gia nhập cuộc chạy đua đó. Tuy nhiên Mã không hề nao núng: “Thị trường TQ mở ra nhiều cơ hội, tuy nhiên người chiến thắng hôm nay chưa chắc là người thắng cuộc của ngày mai”. Hiện QQ của Tencent có hơn trăm triệu khách hàng sử dụng, chiếm đến 80% thị trường thông tin trực tuyến của TQ. Ngoài QQ, QQ.com, trò chơi trực tuyến QQ còn có mạng paipai.com, hòm thư Foxmail, các sản phẩm ảo như QQshow, QQpet, QQgame, QQmusic, QQradio, QQliveTV, cung cấp nhạc chuông cho điện thoại, thương mại điện tử... Hiện Tencent đang nhắm đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp IT được kính trọng nhất.

... Đến đồng tiền ảo Q

QQ với logo chim cánh cụt đã làm thay đổi thói quen liên lạc của người dân Trung Quốc

Bí quyết thành công của Công ty Tencent là thiết kế phần mềm QQ vừa có chức năng thông tin vừa có tính giải trí. Theo kế hoạch, năm 2007, Tencent sẽ phát triển trò chơi trực tuyến, mỗi tháng tung ra một trò chơi nhỏ, ba tháng cho ra một trò chơi vừa, chín tháng cho ra một trò chơi mới hoàn toàn. Việc phát hành đồng tiền ảo Q trên mạng của Tencent gần đây khiến Ngân hàng TQ cũng phải dè chừng, đang tiến hành điều tra sức ảnh hưởng của nó nếu có. Đồng tiền Q dùng để mua sắm trên mạng, tham gia trò chơi điện tử, mua sắm đồ gia dụng ảo rất thịnh hành ở TQ dù không thể qui đổi thành tiền.

Năm 2004, khi Mã đoạt giải Nhân vật kinh tế TQ năm 2004 do Đài truyền hình trung ương TQ bình chọn, ít ai biết Mã Hóa Đằng là ai, nhưng không ai không biết phần mềm chat QQ của công ty anh. Năm 2004 anh cũng được tạp chí Time và CNN bình chọn là một trong 25 nhà doanh nghiệp có ảnh hưởng toàn cầu. Năm 2006, Công ty Tencent đứng thứ ba trong danh sách những công ty niêm yết có giá trị đầu tư nhất TQ do tạp chí Hồ Nhuận bình chọn, còn Mã đứng thứ 56 trong 100 người giàu nhất TQ năm 2006.

Có tiền, Mã thành lập quĩ từ thiện công ích với các hoạt động báo đáp xã hội, mượn sức ảnh hưởng của QQ để tập trung giúp đỡ thanh thiếu niên được ăn học đầy đủ và sống tốt. Phương châm thành công của Mã có thể gói gọn trong nhận định của Richard Ji, một nhà phân tích Công ty Morgan Stanley: “Người dân TQ lên mạng để giải trí, còn ở Mỹ người dân lên mạng để tìm kiếm thông tin, đó là lý do vì sao Google có thể thống trị thị trường Mỹ, còn Tencent thống trị thị trường TQ.

C.Chánh

Theo Tencent, sina, ChinaVenture, TTO
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video