Trải qua gần 800 năm, vị trí yên nghỉ của hoàng đế Mông Cổ Thành Cát Tư Hãn vẫn nằm trong bức màn bí mật. Lăng mộ thực sự của Thành Cát Tư Hãn ở đâu và lời nguyền tại lăng mộ Thành Cát Tư Hãn vẫn là những bí ẩn mà giới Khoa học phải đau đầu tìm câu trả lời.
Nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn từ lâu đã trở thành chủ đề gây tranh cãi. Theo sử sách lưu truyền, người lập nên đế chế Mông Cổ yêu cầu được chôn trong một ngôi mộ vô danh. Quân lính hộ tống xác ông giết mọi người họ gặp trên đường đến nơi chôn cất. Những người xây mộ cũng bị trừ khử, sau đó đoàn quân hộ tống tự tử.
Dù ghi chép lịch sử trên có chính xác hay không, các nhà khảo cổ không thể xác định vị trí ngôi mộ của Thành Cát Tư Hãn. Trong nhiều năm, họ đưa ra giả thuyết về nơi chôn cất ông. Nhưng do hạn chế khi tiến hành khai quật khảo cổ trên vùng đất linh thiêng ở Mông Cổ, giới nghiên cứu khó có thể tìm ra bằng chứng chắc chắn chỉ ra vị trí đặt mộ.
Theo International Business Times, Thành Cát Tư Hãn mất vào cuối hè năm 1227 ở Lục Bàn Sơn, Trung Quốc. Xác ông được đưa về Mông Cổ để chôn cất.
Để lý giải bí ẩn xoay quanh nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn, nhà báo Robin Ackroyd đi tới Mông Cổ. Anh dành hai tháng di chuyển 700km trên lưng ngựa quanh mảnh đất nơi Thành Cát Tư Hãn từng sống, tới thăm nhiều địa điểm có thể là nơi dựng mộ để phác họa lại bức tranh toàn cảnh trên thảo nguyên 800 năm trước.
Trong cuốn sách "Thành Cát Tư Hãn: Ngôi mộ linh thiêng và kho báu bí mật", Ackroyd thuật lại hành trình của mình tại Mông Cổ, kết hợp với những ghi chép lịch sử về cuộc đời Thành Cát Tư Hãn và người kế vị ông. Sau khi phân tích các văn bản cổ đại và nghiên cứu cuộc sống hiện nay ở Mông Cổ, Ackroyd khẳng định đã tìm ra vị trí mộ Thành Cát Tư Hãn.
Tranh chân dung Thành Cát Tư Hãn ở Bảo tàng Cố cung tại Đài Loan. (Ảnh: Wikipedia).
Nhằm hiểu rõ hơn về Thành Cát Tư Hãn và việc tạo dựng đế chế Mông Cổ, Ackroyd sử dụng một loạt tài liệu lịch sử để xâu chuỗi trình tự sự kiện liên quan tới cuộc sống và cái chết của vị hoàng đế. Hai văn bản quan trọng nhất mà Ackroyd dựa vào là Lịch sử bí mật của Mông Cổ (tác giả vô danh), ghi chép về lịch sử triều đại Mông Cổ một thời gian ngắn sau khi Thành Cát Tư Hãn qua đời.
Một tài liệu khác là ghi chép của nhà sử học Rashid al-Din vào thập kỷ đầu tiên sau năm 1300. Đến từ Ba Tư, Rashid al-Din được giao viết lại lịch sử Mông Cổ. "Ông ấy rất cố gắng tìm hiểu điều gì đã xảy ra, nơi Thành Cát Tư Hãn được chôn cất, để lý giải một số bí ẩn xung quanh quá trình mai táng", Ackroyd nói.
Nguyên nhân cái chết của Thành Cát Tư Hãn gắn với nhiều giai thoại khác nhau. Một số người cho rằng ông bị sốt cao. Cuốn Lịch sử bí mật của Mông Cổ ghi rằng ông ngã ngựa vào mùa đông năm trước, dẫn tới nhiễm trùng vết thương. Một giai thoại khác kể ông bị thương và qua đời khi đang cố cưỡng bức một người vợ của kẻ địch.
Ackroyd nhấn mạnh nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của Thành Cát Tư Hãn được giữ bí mật để bảo đảm vị thế người đứng đầu đế chế Mông Cổ của ông. Việc ông chết trong tay kẻ thù không được ghi lại trong lịch sử. Thành Cát Tư Hãn chắc chắn không muốn để lộ điểm yếu của mình trong một chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, thời điểm ông qua đời là vào tháng 8. Tại thời gian này ở Mông Cổ, nhiệt độ bắt đầu giảm mạnh và những ngày nắng nóng nhanh chóng chuyển sang băng giá.
Theo Ackroyd, việc trở về quê hương để an nghỉ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Thành Cát Tư Hãn. Biên niên sử Mông Cổ thế kỷ 17 cho biết ông được đưa về quê nhà sau khi qua đời, tức khu vực ở một khúc cong trên sông Kherlen, nơi đặt lều trại của ông.
Rashid al-Din ghi chép quan tài Thành Cát Tư Hãn được đưa tới địa điểm này để thực hiện nghi thức khóc tang. Sau đó, các hoàng tử và nhà lãnh đạo gặp mặt để bàn bạc về tương lai của vương quốc trước khi trở về nhà.
Thành Cát Tư Hãn được chôn cất với nhiều đồ tùy táng, ngựa và người hầu. Một văn bản kể rằng 40 cung nữ mặc trang phục cao quý, đeo trang sức vàng nạm ngọc bị giết và chôn theo ông để hộ tống linh hồn ông sang thế giới bên kia.
Ba địa điểm nhiều khả năng là nơi chôn cất Thành Cát Tư Hãn nhất bao gồm: Öglögchiin Kherem hay Almsgivers' Wall ở tỉnh Khentii, Mông Cổ. Nhiều ngôi mộ cổ đại được tìm thấy tại đây trong thời gian qua, dẫn tới suy đoán một trong số đó thuộc về Thành Cát Tư Hãn, nhưng không ngôi mộ nào có dấu tích hoàng gia.
Một địa điểm khác là Avarga, gần Delgerkhaan. Tuy khu vực này là cơ sở dựng trại, nó không có tầm quan trọng thực sự về mặt cá nhân đối với Thành Cát Tư Hãn. Avarga ở xa nơi ông sinh ra, đồng thời cách nơi hoàng đế lên ngôi 200 km.
Địa điểm cuối cùng là ngọn núi thiêng Burkhan Khaldun, nơi có khả năng chứa mộ Thành Cát Tư Hãn cao nhất, theo Ackroyd. Khu vực rộng 240km2 xung quanh Burkhan Khaldun còn gọi là Ikh Khorig tức "Cấm địa". Đây là vùng đất linh thiêng và kẻ xâm phạm sẽ bị trừng phạt bằng cái chết. Tài liệu cổ cho biết ngọn núi từng là nơi trú ẩn của Thành Cát Tư Hãn thời trẻ, khi ông chiến đấu với bộ tộc Merkid. Ông từng chạy lên núi để lẩn tránh kẻ thù, sống sót và thề sẽ cầu nguyện trước ngọn núi kể từ đó.
Thành Cát Tư Hãn được chôn cất với nhiều đồ tùy táng, ngựa và người hầu.
Ackroyd nhận định khả năng mộ Thành Cát Tư Hãn nằm trên ngọn núi rất cao vì một số văn bản chỉ ra những người lãnh đạo Mông Cổ có địa vị rất coi trọng việc chôn cất ở trên cao. Là người lập nên đế chế Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn có thể muốn được chôn ở nơi cao nhất trong lãnh thổ của ông.
So với những ngọn núi khác ở Mông Cổ, vị trí của Burkhan Khaldun cũng phù hợp với ghi chép lịch sử về nơi chôn cất. Nó nằm ở nơi giao nhau giữa ba con sông và chỉ cách nơi sinh của Thành Cát Tư Hãn 6 ngày đường.
Ngoài ra, ở đỉnh núi Burkhan Khaldun có gò đá lớn không giống hình thành tự nhiên. Ackroyd cho biết những viên đá có vẻ được con người đưa tới vị trí hiện tại. Việc này đòi hỏi nguồn lực dồi dào mà chỉ dòng tộc của Thành Cát Tư Hãn mới có thể đáp ứng.
Chính phủ Mông Cổ cũng kết luận Burkhan Khaldun là địa điểm khả thi nhất đặt mộ Thành Cát Tư Hãn. Năm 2015, nơi đây được đưa vào danh sách Di sản Thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Tuy nhiên, khả năng khai quật vùng đất để tìm mộ Thành Cát Tư Hãn rất thấp.
"Mọi chứng cứ đều chỉ ra Thành Cát Tư Hãn được chôn cất trên đỉnh núi Burkhan Khaldun. Nhưng việc khai quật Burkhan Khaldun chắc chắn sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Nhiều người Mông Cổ xem khai quật mộ Thành Cát Tư Hãn là hành động báng bổ thần linh. Những điều cấm kỵ cổ đại liên quan tới người chết và nơi chôn cất vẫn còn tồn tại ở thời nay, giúp duy trì bí mật về khu mộ gần 800 năm qua. Người Mông Cổ tin rằng tổ tiên của họ đang sống ở những nơi linh thiêng và mạo phạm một ngôi mộ là điều họ chưa từng nghĩ tới", Ackroyd chia sẻ.
Những suy đoán về nơi đặt lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn Thứ nhất, Thành Cát Tư Hãn qua đời ở huyện Qingshui dưới chân núi Liupan ở Ninh Hạ, theo phong tục của người Mông Cổ, nếu không được chôn xuống đất trong vòng ba ngày sau khi chết, linh hồn của người đã khuất sẽ không thể yên nghỉ. Do đó, nhiều học giả cho rằng rất có thể Thành Cát Tư Hãn được chôn cất tại đây. Suy đoán thứ hai đề cập đến dãy núi Altay ở phía bắc Tân Cương, Marco Polo cũng đề cập trong ghi chú du lịch của mình rằng trong quá trình hộ tống quan tài của nhà vua đến dãy núi Altay, tất cả những người ông gặp trên đường đi đều được coi là vật hiến tế. Thật vậy, các nhà khảo cổ đã từng tìm thấy một gò đất nhân tạo gần dãy núi Altay, nhưng sau khi điều tra, họ không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào của các ngôi mộ. Khả năng thứ ba là lăng mộ của Thành Cát Tư Hãn nằm ở dãy núi Khentii, cũng là khả năng gần với sự thật nhất. Trong lịch sử Mông Cổ, gia đình Thành Cát Tư Hãn từng coi núi Khentii là ngọn núi thánh và cha ông cũng được chôn cất tại đây. Sau đó, Thành Cát Tư Hãn bị kẻ thù bao vây, để tránh sự tấn công của kẻ thù, ông cũng trốn vào núi Kent để trốn thoát. Kể từ khi Thành Cát Tư Hãn trở thành Đại Hãn, mỗi khi gặp sự kiện quan trọng, ông đều lên núi để tỏ lòng thành kính. |