Hôm nay 11/2/2021, giao diện trang chủ Google ở một số nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam, một số các quốc gia châu Mỹ (như Mỹ, Peru, Argentina), Italy và Thụy Điển xuất hiện hình ảnh Doodle về ca sĩ và nhạc sĩ người Mỹ gốc Mexico María Grever. Vậy María Grever là ai mà được Google tôn vinh ngày hôm nay?
Giao diện trang chủ Google tại Việt Nam và 1 số quốc gia khác có hình ảnh của María Grever. (Nguồn: Google Doodle).
Nữ ca sĩ và nhạc sĩ người Mỹ gốc Mexico María Grever (Sinh ngày 14/9/1885 – Mất ngày 15/12/1951), được xem là một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Mexico.
Bà đã dành cả cuộc đời để viết hàng trăm nhạc phẩm nổi tiếng được những nghệ sĩ/ca sĩ nổi tiếng nhất thế giới cover lại, trong đó có nam danh ca Opera người Tây Ban Nha Placido Domingo (1941), nữ ca sĩ người Mỹ Aretha Franklin (1942-2018) và nam ca sĩ lừng danh người Mỹ Frank Sinatra (1915-1998) - một trong những nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất của thế kỷ 20.
Vào ngày này năm 1938, ngày 11/2/1938, María Grever đã thu âm "Ti-Pi-Tin", một điệu valse về tình yêu đối với con người, và tác phẩm này đã trở thành một trong những bản hit lớn nhất của bà.
Tài năng thiên bẩm
María Grever tên thật là María Joaquina de la Portilla Torres, bà sinh vào cuối thế kỷ 19 tại thành phố León ở miền Trung Mexico. Khi còn nhỏ, bà chuyển đến Seville (quê hương của cha, ở phía tây nam của bán đảo Iberia), nơi cô học tiếng Anh, tiếng Pháp và âm nhạc.
Khả năng âm nhạc thiên bẩm của María Grever đã bộc lộ rõ khi cô bé sáng tác một bài hát mừng ngày lễ cho trường học của mình.
Nhận ra tài năng sớm nảy nở của con gái, cha bà đã đưa con đến Pháp học âm nhạc và mời gia sư dạy nhạc giỏi nhất, trong đó có các nhà soạn nhạc nổi tiếng, Claude Debussy và Franz Lehár, để dạy cho con gái.
Bản nhạc đầu tiên của cô bé, một bài hát mừng Giáng sinh, được sáng tác khi cô 4 tuổi. María Grever viết ca khúc đầu tiên của mình khi 18 tuổi, "A Una Ola" (To a Wave, năm 1912), và nó đã bán được 3 triệu bản, được một số ca sĩ cover lại.
Cả cuộc đời mình, María Grever đã viết hơn 800 bài hát/bản nhạc. (Ảnh: Internet).
Năm 1900, María Grever quay trở lại Mexico và tiếp tục học nhạc tại trường dạy đàn của dì cô. Năm 1907, khi bà 22 tuổi, đã kết hôn với Leo A. Grever, một giám đốc điều hành công ty dầu mỏ người Mỹ, và năm 1916 trở thành công dân Mỹ rồi chuyển đến Thành phố New York, nơi bà sống và làm việc cho đến cuối đời.
Tại New York, bà tiếp tục sáng tác nhạc nền trong các bộ phim của các hãng Paramount Pictures và 20th Century Fox.
Trong thời gian đó, María Grever tiếp tục viết các bài hát kết hợp nhịp điệu dân gian với các phong cách như Tango để làm say lòng khán giả khắp châu Mỹ và Tây Ban Nha.
Grever từng nói: “Tôi phải rời khỏi đất nước của mình, và bây giờ ở New York, tôi quan tâm đến nhạc Jazz và nhịp điệu hiện đại, nhưng trên hết là âm nhạc Mexico, thứ mà tôi mong muốn được giới thiệu với người dân Mỹ. Tôi sợ họ không biết nhiều về nó. Đó là âm nhạc có giá trị lan tỏa. Tôi mong muốn và khao khát được mang các giai điệu bản địa (của Mexico) từ một góc nhìn thực tế, nhưng với sự linh hoạt cần thiết để thu hút khán giả phổ thông".
Được yêu mến cả đời
Cả cuộc đời mình, María Grever đã viết hơn 800 bài hát, bản nhạc - phần lớn trong số đó là những bản bolero - và sự nổi tiếng của bà đã đến với khán giả ở châu Mỹ, châu Âu...
Một số bản hit lớn nhất của bà bao gồm "Júrame" ("Promise, Love", năm 1926) và "What a Difference a Day Makes" (ban đầu có tên là "Cuando Vuelva a Tu Lado", 1934). Ca khúc "What a Difference a Day Makes" đã giành được giải Grammy năm 1959 do huyền thoại nhạc jazz, Dinah Washington thể hiện.
María Grever mất năm 1951 tại New York sau một trận ốm kéo dài. Theo yêu cầu của riêng bà trước khi mất, di hài của bà đã được đưa đến thành phố Mexico - quê hương của bà.
Năm 1953, nữ ca sĩ kiêm diễn viên người Argentina kiêm ngôi sao nổi tiếng Mỹ Latin Libertad Lamarque (1908-2000) đóng vai María Grever trong "Cuando me vaya" (Khi tôi rời đi), một bộ phim tiểu sử về María Grever của đạo diễn Tito Davison.
Ba năm sau, Libertad Lamarque - bà được xem là một trong những biểu tượng của Thời kỳ Hoàng kim của Cinema ở Argentina và Mexico - phát hành một album bán chạy nhất, thể hiện các bài hát nổi tiếng nhất của María Grever, có tựa đề "Libertad Lamarque canta canciones de Maria Grever".
Để ghi nhận những đóng góp của bà cho âm nhạc, Hiệp hội Phụ nữ Châu Mỹ (UWA) đã vinh danh María Grever là "Người phụ nữ Châu Mỹ" vào năm 1952.
Cảm ơn María Grever và âm nhạc của bà. Những giai điệu, ca từ bà viết tiếp tục gây ấn tượng với người nghe trên toàn thế giới ngày nay.